Từ ngày 1/7, 12 quận và thị xã Sơn Tây bắt đầu vận hành mô hình chính quyền đô thị, cấp phường chỉ có UBND, không còn HĐND.

UBND phường gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và công chức khác, trong đó Chủ tịch có quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của phường do mình quản lý. Chủ tịch, Phó chủ tịch phường do Chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm, thay vì bầu thông qua HĐND.

{keywords}
Từ ngày 1/7, 12 quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội bắt đầu vận hành mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: Hà Nội mới

Chủ tịch phường chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND, Chủ tịch quận, thị xã về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; trực tiếp quản lý công chức phường theo quy định. Khi chủ tịch phường vắng mặt thì phó chủ tịch được ủy nhiệm thay mặt điều hành và giải quyết công việc trên địa bàn.

UBND phường được đề xuất các chương trình, dự án đầu tư công dùng vốn ngân sách nhà nước; thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý; đề xuất các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng chống tội phạm...

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà đánh giá, chính quyền đô thị sẽ tinh gọn, nhanh hơn trong giải quyết thủ tục hành chính, thông suốt hơn trong chỉ đạo, điều hành.

Một trong những điểm đột phá về cải cách hành chính trong chính quyền đô thị là việc ủy quyền cho công chức tư pháp giải quyết một số thủ tục, như ký chứng thực tư pháp - hộ tịch.

Bà Hà giải thích, trước đây thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp do lãnh đạo UBND phường ký xác nhận, nhưng nay có thể ủy quyền cho công chức tư pháp đủ điều kiện về năng lực, trình độ, kinh nghiệm. Điều này giảm một bước thủ tục hành chính, giúp giải quyết công việc của người dân nhanh chóng hơn.

Cán bộ, công chức phải đổi mới tư duy, năng động

Trong ngày 30/6, các quận: Thanh Xuân, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Bắc Từ Liêm đã tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các phường trên địa bàn để triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Tại quận Thanh Xuân, Chủ tịch UBND quận đã ký các quyết định bổ nhiệm 11 chủ tịch, 22 phó chủ tịch UBND các phường. Cùng với đó, ban hành 126 quyết định về cán bộ, công chức các phường.

Tại quận Ba Đình, UBND quận đã ban hành các quyết định chuyển công chức cấp phường thành công chức do UBND quận quản lý (đợt 1) đối với 173 công chức, trong đó có 14 chủ tịch, 27 phó chủ tịch UBND phường, 133 công chức.

Còn tại quận Tây Hồ, UBND quận đã trao quyết định bổ nhiệm 24 chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường trên địa bàn; chuyển đổi 102 công chức phường thành công chức do UBND quận quản lý.

Quận Hoàn Kiếm cũng đã công bố quyết định của Chủ tịch UBND quận về việc bổ nhiệm 16 chủ tịch, 35 phó chủ tịch UBND phường trên địa bàn; chuyển đổi 165 công chức phường thành công chức do UBND quận quản lý.

Tại quận Long Biên, UBND quận đã công bố quyết định bổ nhiệm 14 chủ tịch UBND phường và 28 phó chủ tịch UBND phường; chuyển 149 công chức làm việc tại các phường thành công chức do UBND quận quản lý kể từ ngày 1/7.

UBND quận Bắc Từ Liêm cũng trao 35 quyết định bổ nhiệm 11 chủ tịch UBND phường; 22 phó chủ tịch UBND phường; 2 phó chủ tịch giao phụ trách chung UBND phường.

Sáng sớm 1/7, UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đã hoàn thành công đoạn cuối của việc thay biển hiệu “Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường Hoàng Liệt" thành “Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Hoàng Liệt”.

Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Tạ Văn Hải cho biết, phường đã sẵn sàng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ngay từ việc chuẩn bị nhân sự đến nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị giải quyết thủ tục hành chính, như máy tính và các phương tiện liên quan đến công nghệ.

Phường cũng yêu cầu cán bộ, công chức phải đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo và hiệu quả trong thực hiện công vụ, giải quyết thủ tục hành chính.

Công chức tư pháp - hộ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) Đoàn Thị Thanh Ngọc cho hay, trong sáng 1/7, chị đã tiếp nhận 10 hồ sơ và các hồ sơ này đã được ký, giải quyết ngay cho công dân. Trước đó, các công chức đã được hướng dẫn nghiệp vụ để có thể hoàn thành nhiệm vụ mới một cách tốt nhất.

Theo Bí thư Đảng ủy phường Cống Vị (quận Ba Đình) Nguyễn Văn Hưng, phường đã thực hiện theo quy trình 5 bước đối với Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND phường. Đồng thời rà soát toàn bộ và chuyển hồ sơ của cán bộ, công chức phường lên quận để đề xuất thành công chức do UBND quận quản lý. 

Trong ngày 1/7, UBND phường đã ban hành quy chế làm việc để thuận tiện trong việc triển khai.

Chủ tịch UBND phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) Phan Bá Tường thông tin, phường đã chuẩn bị, thực hiện tất cả kế hoạch của thành phố và quận, xây dựng quy chế làm việc của chính quyền phường, phân công 13 cán bộ, công chức bắt tay vào công việc, phục vụ nhân dân, không để có sự gián đoạn khi chuyển giao thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Tuy nhiên, bên cạnh quyết tâm triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, trong ngày đầu triển khai cũng còn một số phường chưa kịp hoàn thành con dấu, văn bản ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch, nên việc ký chứng thực tại những nơi này vẫn do lãnh đạo phường thực hiện. 

Băn khoăn về việc triển khai mô hình mới khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, Chủ tịch UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) Lưu Đình Lượng mong muốn thường xuyên có sự lãnh đạo, hướng dẫn của quận và các sở, ngành của thành phố.

Hương Quỳnh