Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là khi tăng giá thì tình trạng bị cắt nước do vỡ đường ống hay chất lượng dịch vụ có được cải thiện hay không thì vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Người dân phải xếp hàng lấy nước sạch từ xe téc và chuyên chở về nhà bằng xe kéo. Ảnh chụp tại khu Pháo Đài Láng (Hà Nội) |
Giá nước tăng theo... số lần ống nước vỡ
Ở thời điểm hiện tại, một khu vực rộng lớn của Hà Nội bao gồm các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Từ Liêm… nơi người dân phụ thuộc vào đường ống nước sông Đà, lại đang ở trong thảm cảnh… mất nước.
Đường ống nước sông Đà là một trong những đường ống cấp nước chính của thủ đô liên tục xảy ra sự cố kể từ khi lắp đặt và đưa vào vận hành năm 2012. Ngay năm đầu tiên vỡ 1 lần, năm 2013 vỡ 3 lần, năm 2014 vỡ tới 5 lần và cho đến tháng 9.2015 là vỡ lần thứ 6, lần vỡ gần nhất là ngày 25.9 vừa qua. Tổng cộng trong 4 năm vỡ đường ống nước đến 15 lần. Mỗi lần vỡ ống là hàng vạn gia đình rơi vào cảnh khốn đốn, nhất là những gia đình ở những khu tập thể cũ tại Hà Nội dùng đường nước này.
Khu tập thể cơ khí, ngõ 192 đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) vừa trải qua những ngày “náo loạn” do mất nước 3 ngày. “Sau mỗi lần vỡ như vậy, giờ đầu nước chảy về đục như nước sông, bà con lại phải hì hục cọ rửa thau bể chứa” - một người dân ở đây than vãn. Ông Lâm Phương Đông (nhà A4 - Tập thể cơ khí) bức xúc: “Chất lượng nước sạch khó chấp nhận. Mất nước liên miên, giữa thủ đô mà có ngày phải dành từng chậu nước chỉ để đánh răng, rửa mặt”.
Biểu đồ mức tăng giá nước sinh hoạt và thống kê sự cố vỡ đường ống nước sông Đà khiến người dân Hà Nội lâm vào cảnh thiếu nước sạch. Đồ họa của Văn Đức Dũng |
Thông tin về việc giá nước sẽ tăng thêm 19% từ 1.10, khiến người dân càng thêm bức xúc. “Giá nước tăng, không hiểu chất lượng nước, chất lượng dịch vụ cấp nước có tăng lên. Liệu những thất thoát, tiêu cực trong đầu tư như vậy có được đưa vào giá thành để người dùng phải gánh?” - ông Đông nói và ao ước: “Giá mà họ - Cty kinh doanh nước - cải tiến chất lượng trước khi tăng giá thì người dân chẳng ai kêu ca”.
Chị Nguyễn Sao Mai và hàng nghìn hộ dân ở khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy) cũng chịu cảnh dở khóc, dở cười vì mất nước. Sống trong khu đô thị hiện đại nhưng có ngày mọi vật dụng từ xoong chậu, bình cốc đều được bầy la liệt trong nhà để trữ nước. Chị Sao Mai chia sẻ: Chúng tôi chấp nhận giá nước tăng, nhưng Cty kinh doanh nước sạch có dám cam kết giá tăng, chất lượng cấp nước sẽ phải tăng theo.
Cùng chung với chị Mai, nhiều hộ dân ở đây cho rằng: “Chúng tôi chỉ đồng ý về mức tăng mới khi Công ty Nước sach Hà Nội đảm bảo là sẽ không có những lần vỡ đường ống thêm nữa. Năm nào cũng tăng đến 20% nhưng số lần vỡ đường ống cũng tăng theo thế này, chúng tôi khổ lắm”.
Chi phí đổ lên đầu dân
Lý giải về việc tăng giá nước, phía Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho rằng dù tăng tới gần 20% nhưng nếu trung bình mỗi gia đình sử dụng 15-16m3 mỗi tháng thì sau khi tăng giá, số tiền trả thêm của mỗi hộ gia đình chỉ là 15.000-20.000 đồng/tháng. “Đây là con số không cao và chấp nhận được” - một lãnh đạo công ty nước sạch cho biết.
Ngoài ra Cty Nước sạch HN cũng đưa ra hàng loạt lý do: Việc tăng trên được tính toán trên cơ sở các yếu tố thay đổi chi phí sản xuất kinh doanh. Trong đó có việc tăng do sự thay đổi cơ chế chính sách, biến động của thị trường như phí bảo vệ môi trường tăng 6 lần; chi phí điện từ 2010-2015 tăng bình quân 10%/năm; chi phí tiền lương từ 2009-2015 tăng bình quân 30%/năm...
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Anh Việt - Giám đốc Cty CP Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Viwaco - còn khẳng định, mặc dù tăng thêm 19% nhưng giá nước sinh hoạt tại Hà Nội (và cả ở TPHCM) vẫn ở mức rất… rẻ. Cũng theo lãnh đạo Cty này thì dù giá nước tăng thêm 19% vẫn chưa bù đắp lại được mọi chi phí, nên Viwaco chưa đầu tư mở rộng, mà chỉ sửa chữa những hư hỏng nhỏ, đầu tư những hạng mục cơ bản trong quá trình cung cấp dịch vụ.
Trong khi đó, Công ty cấp thoát nước dường như né tránh câu hỏi về việc người dân phải “cõng” thêm cả phần thất thoát nước... lãnh đạo Công ty Nước sạch Hà Nội cho rằng: Thất thoát nước bao gồm thất thoát do kỹ thuật (đường ống dẫn nước, van...) và thất thu (do người dân đục trộm ống lấy nước) là có và tỉ lệ này ở Hà Nội là cao hơn tỉ lệ 10% của thế giới.
Điều khó hiểu là dù đường ống vỡ liên tục nhưng con số thất thoát nước phía Hà Nội đưa ra chỉ là 15-16% (tại TPHCM tỉ lệ thất thoát lên đến trên 30%).
Trao đổi với Lao Động, ông Lưu Quang Huy - Phó Chánh Văn phòng UBND TP.Hà Nội - nói “Hà Nội đang cố gắng đầu tư để có thêm hệ thống cấp nước mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một hệ thống hiện tại. Ngoài 2 tuyến do Vinaconex đang thực hiện, TP sẽ đầu tư triển khai một tuyến dự phòng thứ 3 với quy mô nhỏ hơn, giao cho Cty nước sạch thực hiện”.
Hiện, Hà Nội cũng đã xây dựng đề án cấp nước Hà Nội giai đoạn 2020 và 2050 nhưng với người dân Hà Nội, ngay lúc này họ cần lời giải thích rõ ràng hơn và phải chăng việc tăng giá, dù chỉ là trung bình 20.000 đồng mỗi tháng nhưng là cách “đánh lên đầu dân” thay vì phải dùng một khoản tiền khác, cải thiện hạ tầng cấp nước, sau đó mới tính đến phương án tăng giá như hiện nay.
Ý kiến của người dân thủ đô về giá nước Chị Nguyễn Thị Hoa (Thái Thịnh): “Quá phiền toái, mệt mỏi vì thiếu nước” Tổng thu nhập cả gia đình chưa đến 7 triệu đồng, trong khi đó chúng tôi phải nuôi hai con ăn, học vô cùng tốn kém. Chưa kịp “hoàn hồn” vì tiền điện tăng, nay lại nghe tin tiền nước tăng… Theo như tính toán của tôi thì từ tháng 10 tới, mỗi tháng chúng tôi cũng phải mất thêm ít nhất là dăm ba chục nghìn tiền nước. Các “ông ý” bảo là số tiền ấy là không đáng kể, “có thể chịu được”, đó là bởi các “ông ý” không ở trong hoàn cảnh như NLĐ chúng tôi. Thực tế, có những lần mất nước dài ngày, gia đình tôi phải mang quần áo đến nhà người thân tắm, giặt nhờ, rất phiền toái và mệt mỏi. K.Y.M ghi Ông Dương Đức Hạnh (CNLĐ nghỉ hưu ở Nhân Chính): “Chúng tôi đang phải “trả giá” cho sự yếu kém của ngành nước?” Nếu lý luận là “kinh tế thị trường - thuận mua vừa bán” thì phải tính sòng phẳng đi: Tôi ký hợp đồng mua nước của anh, thì anh phải đảm bảo lúc nào cũng cung cấp đủ nước, nước phải đảm bảo chất lượng; đằng này, dăm bữa nửa tháng lại mất nước - có khi kéo dài đến hàng tuần, mà ngành nước vẫn “im như thóc”, chỉ tuyên bố là bị vỡ đường ống nước sông Đà, không có nước sản xuất, thế là xong trách nhiệm! Mặc người dân chạy đôn, chạy đáo tắm nhờ, giặt nhờ… Đó là chưa kể đến việc, đôi khi nước có mùi gỉ sắt hoặc mùi clo rất nặng - không ít thì nhiều đều có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Như thế, chẳng khác nào chúng tôi đang phải “trả giá” cho những việc làm yếu kém của ngành nước. V.N ghi Chị N.T.Q (viên chức đang thuê trọ tại đường Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy): “Tăng giá thì phải tăng chất lượng nước” Hiện gia đình tôi đang chịu mức giá nước là 18.000 đồng/khối. Một tháng, vợ chồng tôi và con dùng hết khoảng 5-6 khối nước, tính ra hết khoảng 100.000 đồng. Việc tăng giá nước mỗi tháng gia đình tôi lại phải mất thêm một số tiền nữa. Chúng tôi đề nghị, tăng giá nước thì cũng cần phải sòng phẳng với khách hàng là phải đảm bảo chất lượng nước cũng như cung cấp đầy đủ nước cho khách hàng. T.Thảo ghi Theo Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội Từ 1.10.2015, giá nước sạch áp dụng như sau: Đối với hộ dân cư, giá của mức 10m3 đầu tiên: 5.973/m3; từ trên 10m3 đến 20m3: Giá 7.052/m3; từ trên 20m3 đến 30m3: Giá 8.669đ/m3; trên 30m3: Giá 15.929/m3. Giá áp dụng đối với các đối tượng là các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP được tính như sau: Cơ quan HCSN: 9.955đ/m3; đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công cộng: 9.955đ/m3; đơn vị sản xuất vật chất: 11.615đ/m3; đơn vị kinh doanh dịch vụ: 22.068đ/m3 (giá bán trên chưa có thuế GTGT và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt). K.Vũ Giá nước sạch tại TPHCM sẽ tăng bình quân 10,5%/năm TCty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) đang xây dựng lộ trình điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2015-2019. Theo đó, giá nước sạch dự kiến sẽ điều chỉnh theo hướng năm sau tăng cao hơn năm trước bình quân 10,5%/năm. Theo ông Bạch Vũ Hải - Phó TGĐ Sawaco - với các hộ nghèo sử dụng đến 4m3/người/tháng, giá nước sinh hoạt năm 2015 vẫn giữ nguyên là 5.300 đồng/m3; năm 2016 sẽ tăng lên 5.800 đồng/m3; năm 2017 tăng lên 6.500 đồng/m3; năm 2018 tăng lên 7.100 đồng/m3 và năm 2019 tăng lên 7.900 đồng/m3. Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt (người nhập cư, công nhân, sinh viên, các cơ sở chữa bệnh…), Sawaco áp dụng giá ưu đãi. Cụ thể như đối với người lao động thuê nhà để ở (có thời hạn thuê nhà từ 12 tháng trở lên), được tính định mức nước sinh hoạt như nhân khẩu có hộ khẩu thường trú. Theo đó, nếu người lao động sử dụng trong định mức 4m3/người/tháng thì mức giá nước năm 2015 là 6.000 đồng/m3 (hiện nay giá 5.300 đồng/m3); năm 2016 mức giá tăng lên 6.600 đồng/m3; năm 2017 tăng lên 7.300 đồng/m3; năm 2018 tăng lên 8.100 đồng/m3 và năm 2019 tăng lên 8.900 đồng/m3. Trần Phan |
Theo Lao động