Chiều qua, ngày 5/1/2017, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có thông tin chính thức về việc Sổ điểm điện tử do Công ty CP Phần mềm Nhật Cường xây dựng và triển khai được một số cơ quan báo chí phản ánh là gặp sự cố, gây khó khăn cho việc nhập dữ liệu của giáo viên một số trường THPT, THCS trên địa bàn Hà Nội.
Trong thông tin phản hồi về nội dung nêu trên, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Hà Nội đã quyết tâm triển khai hiệu quả chính phủ điện tử thông qua việc xây dựng hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến dùng chung trên toàn thành phố, liên thông dữ liệu đáp ứng nhu cầu về quản lý thông tin của công dân từ khi sinh ra, có giấy khai sinh, hộ khẩu trong quá trình học tập và rèn luyện và tiếp theo là quá trình lao động làm việc và trưởng thành.
Hiện Thành phố đã hình thành hệ thống mạng dùng chung đến 100% xã phường thị trấn, trên một nền tảng đồng bộ, thống nhất và sử dụng chung sẽ là cơ sở thuận lợi trong việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu.
Trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư, để thống nhất quản lý học sinh đồng bộ, thống nhất dữ liệu trên toàn Thành phố, từ tháng 1/2016, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TT&TT, Sở GD&ĐT phối hợp xây dựng, triển khai thử nghiệm, khai trương phần mềm tuyển sinh trực tuyến vào tháng 6/2016.
Sau khi triển khai thành công phần mềm tuyển sinh trực tuyến, UBND đã Thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở TT&TT, Sở GD&ĐT phối hợp xây dựng phần mềm quản lý học sinh, sổ điểm điện tử thống nhất trên nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung Thành phố mà phần mềm trước đây các trường đã sử dụng không đáp ứng được các yêu cầu này.
Thực hiện đổi mới trong công tác quản lý, tăng cường ứng dụng CNTT, ngày 19/8/2016, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã ra Quyết định 2406 về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử năm học 2016 - 2017. Theo đó, kết quả học tập của học sinh sẽ được đưa vào quản lý trong Sổ gọi tên ghi điểm điện tử, kết quả in ra từ phần mềm được coi là sổ điểm chính thức, thay thế cho sổ điểm truyền thống.
Để triển khai thiết kế, xây dựng phần mềm Sổ điểm điện tử, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã tiến hành các bước khảo sát, phân tích nghiệp vụ quản lý điểm trong nhà trường để xây dựng các chức năng của phần mềm. Tiếp theo, Sở cũng đã đã triển khai thí điểm, vận hành thử nghiệm hệ thống. Cụ thể, trước khi áp dụng để nhập kết quả học tập của học sinh trong học kỳ I, phần mềm đã được thử nghiệm tại 10 trường THCS và THPT.
Trong quá trình sử dụng, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng với đơn vị thiết kế xây dựng phần mềm có theo dõi và cập nhật sửa lỗi một cách kịp thời. Để sẵn sàng hướng dẫn, trợ giúp các đơn vị xử lý, khắc phục lỗi, giải đáp thắc mắc cho cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập tổ công tác hỗ trợ gồm các thành viên có năng lực về CNTT. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT còn nhận được sự tham gia hỗ trợ của các cán bộ Sở TT&TT về hạ tầng CNTT để góp phần đảm bảo cho phần mềm được vận hành an toàn, thông suốt.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định, Công ty Nhật Cường - đơn vị giúp xây dựng và thiết kế phần mềm đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT để giải quyết bài toán hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu dùng chung đồng bộ toàn Thành phố. Dữ liệu kết quả học tập của học sinh chỉ là một trong những kênh dữ liệu đáp ứng nhu cầu thông tin cho người dân (cha mẹ học sinh).
“Trước đây, Sổ điểm giấy chỉ cung cấp thông tin về kết quả học tập của học sinh tới cha mẹ học sinh vào cuối học kỳ. Tới đây, sau khi hoàn thành toàn bộ phần mềm, kết quả Sổ điểm điện tử sẽ gửi trực tiếp cho cha mẹ học sinh vào các thời điểm trong tháng, trong tuần, thậm chí trong ngày, góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin về tình hình học tập, rèn luyện của học sinh”, Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay.
Tuy nhiên, trong thông tin gửi báo chí ngày 5/1, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thừa nhận, qua thông tin báo cáo của các nhà trường, vẫn còn một số ít đơn vị gặp phải những khó khăn trong công tác triển khai sổ điểm điện tử; nguyên nhân phần lớn là do một số giáo viên còn bỡ ngỡ khi làm việc trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến và giao diện mới của phần mềm, chưa nghiên cứu kỹ tài liệu hướng dẫn, nghiệp vụ nên việc khai báo không chính xác dẫn đến kết quả tính toán không chính xác hoặc không ra kết quả.
Để giải quyết tình trạng trên, thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tăng cường tổ chức giao ban thường xuyên giữa Sở GD&ĐT - Sở TT&TT với đơn vị thiết kế, đặc biệt là các lập trình viên trực tiếp thiết kế phần mềm để hoàn thiện các chức năng của hệ thống, hướng tới phát triển phần mềm trên giao diện Web, không phải cài đặt ESAMS.
Sở GD&ĐT và Sở TT&TT Hà Nội sẽ phối hợp tổ chức kiểm tra để đánh giá hiệu quả, đồng thời kịp thời ghi nhận những kiến nghị, khắc phục những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai phần mềm sổ điểm điện tử; đề xuất với Thành phố, tăng cường đầu tư hạ tầng CNTT, trang thiết bị máy tính đảm bảo điều kiện truy cập phần mềm Sổ điểm điện tử trên môi trường Internet được thuận lợi.
Cùng với việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên các đơn vị để nắm vững quy trình nghiệp vụ, kỹ thuật vận hành các chức năng của phần mềm, Sở GD&ĐT cũng sẽ phát huy hoạt động tích cực của tổ công tác hỗ trợ, phản ứng nhanh trong việc xử lý vướng mắc về mặt kỹ thuật; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về lợi ích, tác dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Thành phố.
Thông tin từ cuộc họp Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố Hà Nội tháng 11/2016 cho hay, với lĩnh vực GD&ĐT, trong năm 2016, bên cạnh việc khai trương Cổng điện tử và phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2016 - 2017, Thành phố đã tập trung triển khai hệ thống sổ điểm điện tử, cụ thể: trong tháng 8/2016, Sở GD&ĐT đã hoàn thành việc hướng dẫn triển khai phần mềm quản lý trường học và sổ điểm điện tử cho 30 Phòng GD&ĐT và trên 500 lãnh đạo, giáo viên cốt cán các trường THCS, THPT, Trung tâm GDTX… Sau khi được tập huấn, các nhà trường đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ, giáo viên tại đơn vị. Sở GD&ĐT cũng đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử làm căn cứ cho các trường học THCS, THPT, Trung tâm GDTX áp dụng thực hiện từ năm học 2016 - 2017.
Theo thống kê, tính đến ngày 25/9/2016, đã có 808/860 đơn vị cập nhật được 540.642/584.404 học sinh, cấp 34.103/34.036 tài khoản cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các đơn vị. Trong tháng 10/2016, các đơn vị tiến hành cập nhật đầy đủ hồ sơ học sinh, in sổ điểm cá nhân cho từng giáo viên, từng môn học, giáo viên các bộ môn tự nhập điểm định kỳ lên hệ thống. Tiếp đó, ngày 3/11/2016, Công ty Nhật Cường đã khởi tạo tài khoản, gán quyền sử dụng phần mềm cho lãnh đạo Sở, lãnh đạo phòng chuyên môn Sở, trưởng phòng GD&ĐT quận huyện thị xã. Tuy nhiên các chức năng nghiệp vụ, theo dõi chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra: đối tượng sử dụng tài khoản này vẫn phải cài đặt phần mềm, chỉ sử dụng được trên máy tính mà không làm việc được trên thiết bị di động.