Công tác xử lý các sự cố rác thải y tế tại Hà Nội là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế và môi trường. Trên địa bàn thành phố, ngoài khám chữa bệnh cho người dân thủ đô còn hàng nghìn người từ tỉnh, thành phố khác tới khám chữa bệnh và điều trị tạo ra khối lượng rác thải y tế khổng lồ.
Một số cơ sở y tế, hệ thống xử lý nước thải, đốt rác đã đầu tư lâu, hoạt động không hiệu quả, kiểm soát khí tại các lo xử lý, đốt rác không tốt có thể gây ô nhiễm môi trường xung quanh, một số trạm y tế hiện còn chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng cần được đầu tư.
Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 44 cơ sở được cấp phép xử lý chất thải nguy hại đang hoạt động, trong đó có 10 cơ sở xử lý đang ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải y tế với các cơ sở y tế tại Hà Nội.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025 làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp thực hiện, triển khai dự án ưu tiên nhằm tăng cường quản lý loại chất thải. Theo đó, thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% số chất thải y tế nguy hại (rắn, lỏng) tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội được thu gom, xử lý đạt chuẩn môi trường.
Định hướng chung đó là phân loại, thu gom, cô lập giảm thiểu chất thải y tế ngay từ nguồn. Thu gom và xử lý phải ưu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến giảm thiểu sự cố môi trường và nguy cơ lây nhiễm. Hạn chế việc chôn lấp để tiết kiệm tài nguyên đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thành phố cũng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng, tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại.
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay 100 % các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình tập trung, ký hợp đồng với các công ty có đủ thẩm quyền vận chuyển và xử lý chất thải y tế. Các cơ sở đều có nơi lưu giữ chất thải và có đầy đủ sổ giao nhận chất thải với đơn vị xử lý chất thải theo quy định.
Năm 2023, Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế. Kế hoạch cũng giao trực tiếp cho Bệnh viện Thanh Nhàn (chuyên khoa đầu ngành kiểm soát nhiễm khuẩn) xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải y tế cho cán bộ chuyên trách của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thường xuyên cập nhật thông tin, tuyên truyền phổ biến các hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trên các phương tiện truyền thông. Các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn phải có kế hoạch xử lý rác thải hằng năm và bố trí kinh phí thực hiện xử lý rác thải, xây dựng các phương án xử lý trong trường hợp lượng chất thải y tế nguy hại gia tăng bất thường do dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng.
Công tác quản lý rác thải y tế trên địa bàn cũng được phân công rõ trách nhiệm của lãnh đạo, của trưởng các khoa, phòng và cá nhân trong công tác quản lý chất thải y tế, ngăn chặn các sự cố môi trường do rác thải y tế gây ra. Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong việc quản lý và xử lý chất thải y tế.