Mới đây, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 1779-TB/TU kết luận hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý 2/2024.
Theo kết luận, đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung xây dựng, sớm hoàn thiện “Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030”.
Quan tâm, chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước gắn với công tác PCCC&CNCH theo thẩm quyền từ khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng, phê duyệt dự án, phê duyệt đầu tư, trong suốt quá trình khai thác, vận hành, sử dụng, cấp điện, cấp nước các dự án, công trình...
Tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật, các chuyên đề kế hoạch về PCCC theo địa bàn, lĩnh vực quản lý. Gắn việc triển khai công tác PCCC&CNCH với Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố. Thực hiện tốt công tác diễn tập nâng cao kỹ năng phòng, chống cháy nổ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan sinh động, đưa các khái niệm đơn giản nhất đến người dân để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, bứt phá về nhận thức, ý thức của người dân trong công tác PCCC.
Chủ động hướng dẫn các địa bàn, cơ quan, đơn vị, cơ sở xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, lực lượng PCCC tình nguyện,... đủ mạnh để xử lý kịp thời các sự cố, cháy, nổ xảy ra.
Đặc biệt là tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tự trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm để phòng ngừa sự cố, giảm nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện từng chỉ tiêu của từng chuyên đề, kế hoạch, trên cơ sở đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm hoặc không thực hiện chỉ đạo của thành phố, trong đó tập trung vào một số chuyên đề như: Xử lý các công trình vi phạm phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan tại các khu dân cư, các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Kiên quyết cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng trên đất không hợp pháp, đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê, lưới điện, rừng...
Một số cấp chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ về PCCC
Theo Công an TP Hà Nội, qua tiến hành rà soát có 2.980 cơ sở không đảm bảo yêu cầu PCCC, đã có 2.971 cơ sở cam kết lộ trình, thời gian thực hiện; 2.963 cơ sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện; 2.935 cơ sở đã được UBND cấp huyện phê duyệt cam kết kế hoạch thực hiện; 733 cơ sở đã khảo sát, lập dự toán kinh phí; 146 cơ sở lập hồ sơ thiết kế; 114 cơ sở đã triển khai thi công; 91 cơ sở đã hoàn thành khắc phục các nội dung về phòng cháy, chữa cháy.
Về tồn tại, hạn chế, Giám đốc Công an TP nêu, hiện nay có 2 quận, huyện chưa hoàn thành việc đôn đốc cơ sở xây dựng kế hoạch cam kết theo lộ trình; 3 quận, huyện chưa hoàn thành việc phê duyệt kế hoạch, cam kết lộ trình thực hiện của cơ sở; 20 quận, huyện chưa hoàn thành việc đôn đốc cơ sở khảo sát, khái quát kinh phí thực hiện...
“So với chỉ tiêu thành phố giao trong năm 2024 hoàn thành khắc phục ít nhất 70% cơ sở, tương ứng với 2.086 cơ sở, hiện mới có 91 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, đạt 3,05 %. Như vậy, khả năng năm 2024, các đơn vị không hoàn thành được các chỉ tiêu thành phố giao”, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung nêu.
Về phương hướng khắc phục trong thời gian tới, Giám đốc Công an TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện phải chỉ đạo dứt điểm, khắc phục ngay các tồn tại về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với trụ sở của đơn vị và đơn vị trực thuộc quản lý; cần chủ động rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện, khắc phục các tồn tại của các cơ sở để hướng dẫn khắc phục ngay đối với các cơ sở đã cam kết hoàn thành trong năm 2023 mà chưa thực hiện theo đúng cam kết...
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của HĐND TP Hà Nội về các biện pháp tăng cường công tác PCCC&CNCH trên địa bàn TP Hà Nội với chỉ tiêu 100% hộ gia đình được trang bị thiết bị chữa cháy và có lối thoát nạn thứ hai, Trung tướng Nguyễn Hải Trung thông tin, đến nay đã có 1.481.235/1.713.851 hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy (đạt 86,43 %); 229.481/304.722 (đạt 75,3%) hộ gia đình thực hiện mở lối thoát nạn thứ hai.
Còn 13/30 quận, huyện, thị xã chưa hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ hai; 20/30 đơn vị chưa đảm bảo 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay. Nguyên nhân do một số cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, chưa chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC theo thẩm quyền, còn coi công tác phòng cháy, chữa cháy là của riêng lực lượng công an; nhận thức, ý thức về PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình còn hạn chế, còn lơ là, chủ quan, đặt mục tiêu sản xuất, lợi ích kinh tế lên trên hết mà không quan tâm đầu tư cho công tác đảm bảo về an toàn về PCCC.