Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hiện Hà Nội có hơn 600 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Riêng năm 2017, Sở TT&TT đã chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai và vận hành 81 dịch vụ công trực tuyến tại 10 sở, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn; đồng thời tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến do các bộ chuyên ngành triển khai cho thành phố.

Ðến nay, tỷ lệ người dân tự làm hoàn chỉnh thủ tục dịch vụ công trực tuyến tại cấp xã, phường, thị trấn đạt 70%.

Điển hình tại một số sở, ngành Hà Nội đã có sự triển khai dịch vụ công một cách tích cực. trong năm 2017, Sở Y tế đã vận hành 70 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trong đó Bộ Y tế triển khai 54 dịch vụ công (về cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trang thiết bị y tế, an toàn thực phẩm); Thành phố triển khai 16 dịch vụ công cấp độ 3.

Tổng số đã có trên 4.000 hồ sơ cần thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Hà Nội được tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.

Chỉ thống kê riêng số lượng văn bản gửi và nhận qua mạng trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại Sở Y tế hiện là trên 23.000 văn bản.

Năm 2018, Sở Y tế Hà Nội vừa đăng ký thêm 39 dịch vụ công cấp độ 3, 4 và dự kiến đến hết năm sẽ đạt 109 dịch vụ công/175 thủ tục hành chính, chiếm 62,3%. Trong đó, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân tích hợp quản lý số liệu tầm soát ung thư sớm; triển khai thêm 6 phần mềm mới về quản lý bệnh viện đáp ứng yêu cầu liên thông dữ liệu quản lý thanh toán BHYT trực tuyến; phần mềm quản lý y tế cơ sở bao gồm các hoạt động khám chữa bệnh, báo cáo thống kê, thanh toán BHYT…

Từ năm 2018, Sở Giao thông vận tải Hà Nội triển khai thêm dịch vụ công mức độ 4 đối với thủ tục cấp giấy phép lái xe quốc tế.

Trước đó, Sở đã phối hợp Tổng cục Ðường bộ Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, bưu điện thành phố Hà Nội tiếp nhận, đào tạo chuyển giao phần mềm ứng dụng. Khi truy cập vào trang web www.dichvucongdoigplx.hanoi.gov.vn, người dân có thể gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép ở bất kỳ đâu, bằng bất kỳ thiết bị nào có kết nối mạng, lựa chọn hình thức nhận kết quả tại nhà, thực hiện thanh toán trực tuyến thông qua giải pháp thanh toán của Vietinbank hoặc nộp phí dịch vụ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Sở Giao thông vận tải.

Trên trang web này hướng dẫn các bước thực hiện và có địa chỉ thư điện tử, số điện thoại để hỗ trợ trực tuyến. Người nộp hồ sơ cũng có thể tra cứu tiến độ hồ sơ của mình để nắm bắt tình hình.

Cùng với dịch vụ cấp giấy phép lái xe quốc tế, nhiều dịch vụ công khác của Sở cũng đang triển khai ở mức độ 3, dần dần sẽ áp dụng mức độ 4, giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, giảm đáng kể chi phí và thời gian.

Đáng chú ý, nhiều năm gần đây, Hà Nội luôn là địa phương nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, tỷ lệ giao dịch trực tuyến qua mạng đạt cao nhất cả nước. Năm 2018, Thành phố tiếp tục hoàn thành triển khai hệ thống một cửa dùng chung 3 cấp, kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Ðồng thời, duy trì và mở rộng các trang, cổng thông tin điện tử các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung, hình thành Cổng dịch vụ công Thành phố và kết nối đến Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định để thống nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Đặc biệt, thành phố sẽ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực, qua đó hình thành chính quyền điện tử.

Cùng đó, sẽ tiếp tục đầu tư đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến, khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.