Đây là một chỉ tiêu đã được UBND TP.Hà Nội đặt ra trong Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2018 mới ban hành.

Kế hoạch nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai và khai thác có hiệu quả ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước Thành phố để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; triển khai xây dựng một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và năng lực cạnh tranh của Thành phố.

Kế hoạch cũng nêu rõ, một trong những mục tiêu chủ yếu của Hà Nội trong năm nay là xây dựng Chính quyền điện tử. Theo đó, trong năm 2018, cùng với việc tiếp tục duy trì, nâng cấp, mở rộng và có phương án dự phòng với Trung tâm Dữ liệu nhà nước Hà Nội, Thành phố sẽ tiếp tục duy trì, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi gồm: dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm.

Đồng thời, tiếp tục duy trì, triển khai các hệ thống thông tin trong các ngành: giao thông vận tải, giáo dục, y tế, tư pháp, xây dựng quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, lao động thương binh và xã hội, văn hóa và thể thao, du lịch và một số lĩnh vực thiết yếu khác.

Về ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động điều hành nội bộ, năm nay, Thành phố đã xác định các chỉ tiêu chính sẽ được tập trung triển khai gồm có: 100% UBND các xã, phường, thị trấn được triển khai hệ thống hội nghị truyền hình (giao ban, họp trực tuyến) kết nối với UBND Thành phố và các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; tích hợp ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đối với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp và Hệ thống thư điện tử công vụ của Thành phố. 

Đáng chú ý, đối với ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp trong năm 2018, Hà Nội đặt mục tiêu tối thiểu 50% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 40% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Cùng với đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, phấn đấu 55% thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các quận/huyện/thị xã và xã/phường/thị trấn của Hà Nội được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; 100% các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được triển khai đồng bộ Hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thống nhất toàn Thành phố. Tích hợp ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đối với Hệ thống dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp.

Về đào tạo, bồi dưõng nguồn nhân lực, Thành phố cũng đề ra các chỉ tiêu rất cao, cụ thể: 100% doanh nghiệp, người dân có nhu cầu cung cấp dịch vụ công được phổ biến, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 dùng chung của Thành phố; 100% đoàn viên thanh niên các cơ sở quận, huyện, xã, phường được đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến về chính quyền điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng các phần mềm dùng chung của Thành phố được đào tạo, hướng dẫn, đảm bảo phần mềm triển khai đến đâu ứng dụng ngay đến đó, chú trọng việc tổ chức đào tạo trực tuyến thông qua môi trường mạng.

Bên cạnh việc chú trọng xây dựng Chính quyền điện tử, năm nay Thành phố cũng sẽ tập trung triển khai xây dựng Thành phố thông minh. Dự kiến, một số thành phần cơ bản của Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội, Hệ thống Giao thông thông minh và Hệ thống Du lịch thông minh sẽ được triển khai.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, trong Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP.Hà Nội năm 2018, UBND  Thành phố đã để ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp như: ban hành Khung kiến trúc, kiến trúc Chính quyền điện tử; xây dựng kiến trúc CNTT thành phố thông minh của TP.Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 và các văn bản hướng dẫn thực hiện; gắn chỉ tiêu triển khai ứng dụng CNTT vào tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng trong các cơ quan và yêu cầu bắt buộc trong công tác cán bộ; tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho các cán bộ, công chức, viên chức làm công  tác chuyên môn về CNTT tại các cơ quan nhà nước và ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao của Thành phố…

UBND Thành phố giao Sở TT&TT Hà Nội là cơ quan thường trực và chủ trì thực hiện Kế hoạch. Chịu trách nhiệm tổng hợp dự toán triển khai các nội dung ứng dụng CNTT của các đơn vị; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo tiến độ, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình ứng dụng CNTT tại các đơn vị của Thành phố…

Năm 2017, Hà Nội đã tiếp tục duy trì thuê dịch vụ Trung tâm dữ liệu chính; kết nối mạng diện rộng - WAN tới các sở, ban, ngành, 30 UBND quận/huyện/thị xã và 584 UBND xã/phường/thị trấn. Cùng với đó, Thành phố đã tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành nội bộ, đạt tỷ lệ 85% văn bản chuyển nhận giữa các đơn vị được luân chuyển trên mạng, 100% cán bộ công chức sử dụng hộp thư điện tử công vụ để trao đổi công việc. Đặc biệt, trong năm ngoái, Hà Nội đã triển khai, đưa vào vận hành chính thức 81 dịch vụ công trực tuyến tới 10 Sở, 30 quận/huyện/thị xã và 584 xã/phường/thị trấn, đồng thời tiếp nhận các dịch vụ công trực tuyến do các Bộ chuyên ngành triển khai cho Thành phố, nâng tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức 3, 4 của Thành phố lên 32%.