Đây là một nội dung trong kế hoạch 212 thực hiện Nghị quyết 04 ngày 4/7/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030” (Nghị quyết 04).

Kế hoạch 212 hướng tới mục tiêu triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố theo đúng tinh thần của Nghị quyết 04 và Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030” đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định 5953 ngày 24/8/2017.

Đồng thời, phân rõ trách nhiệm , tiến độ thực hiện các giải pháp của Đề án đối với các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan đảm bảo thiết thực, hiệu quả; làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện.

UBND TP.Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã căn cứ vào Nghị quyết 04 để xây dựng kế hoạch, đề xuất UBND Thành phố phê duyệt; chủ động rà soát và triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình theo đúng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình đã được xác định. Sở GTVT được giao là cơ quan thường trực có trách nhiệm tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án.

Kế hoạch mới ban hành của UBND TP.Hà Nội cũng xác định rõ các kế hoạch, chương trình, đề án để triển khai cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”.

Trong đó, UBND Thành phố giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp cùng các Sở TT&TT, KH&CN, Tài chính, KH&ĐT cùng Công an Thành phố và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án giao thông thông minh trong tổng thể Đề án thành phố thông minh, tập trung vào các nội dung như: xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông, các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông. Nhiệm vụ này sẽ do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng phụ trách và có thời hạn hoàn thành là vào tháng 1/2019.

Tháng 1/2019 cũng là thời điểm UBND Thành phố yêu cầu phải hoàn thành việc lập Quy hoạch phát triển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, trước mắt lập Quy hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, taxi đến năm 2030 để đảm bảo quản lý số lượng xe taxi hợp lý; trong đó quy định hạn ngạch đối với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (Uber, Grab…).

Đồng thời, ban hành quy chế quản lý hoạt động và quy định tỷ lệ số lượng xe taxi và các loại hình hoạt động tương tự xe taxi sử dụng nhiên liệu sạch CNG, LPG, năng lượng điện…, trong đó nghiên cứu ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh, xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ứng dụng CNTT (Uber, Grab…); đấu giá quyền khai thác đối với số lượng xe taxi thay thế hàng năm và số lượng taxi tăng thêm theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố phân công Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng Công an Thành phố, các Sở TT&TT, KH&CN, GTVT và các đơn vị liên quan phải hoàn thành việc Thành lập Trung tâm quản lý điều hành giao thông chung của Thành phố, đảm bảo chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT vào tháng 3/2018. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung sẽ phụ trách việc triển khai nhiệm vụ này.

Theo kế hoạch, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng sẽ phụ trách việc nghiên cứu ban hành các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt ô thị, BRT, Mono rail, buýt… giao thông thông minh bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm phát triển nhanh, đồng bộ. Nhiệm vụ này được giao cho Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp Sở GTVT, Công an Thành phố, Sở Tài chính, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và các đơn vị liên quan thực hiện, với thời gian phải hoàn thành là tháng 12/2018.

Kế hoạch phân công rõ, Sở GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận/huyện/thị xã và các đơn vị liên quan để tháng 6/2018, ban hành bổ sung quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đưa vào quản lý đối với xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh.

Tháng 12/2019 là thời gian Sở GTVT sẽ phải hoàn thành các nhiệm vụ: Xây dựng bản đồ số giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe; Nghiên cứu ứng dụng các thiết bị đầu cuối đảm bảo việc thực hiện kết nối giao thông thông minh giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân được hiệu quả.

Cũng theo kế hoạch của UBND Thành phố, Sở GTVT còn được giao chủ trì 2 nội dung công việc: Ban hành quy định phải lắp đặt thiết bị trả phí tự động trên tất cả các ô tô, mỗi chủ phương tiện phải mở tài khoản để phục vụ công tác thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố và quản lý phương tiện trên địa bàn Thành phố; quy định đối với chủ sở hữu ô tô trên địa bàn Hà Nội lắp đặt thiết bị phụ trợ dể phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động…), chủ xe cơ giới đường bộ phải mở tài khoản để thực hiện thu phí tự động cũng như nộp phạt khi vi phạm giao thông. Cả hai nhiệm vụ này đều có thời hạn phải hoàn thành là tháng 6/2020.