1.jpg.jpg
Giám sát bộ phận một cửa tại UBND phường Bồ Đề (quận Long Biên).

“Nội lực” sẵn sàng

Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước đã có bước tiến quan trọng, tạo cơ sở cho nền hành chính điện tử Thủ đô vào năm 2015. Đến thời điểm hiện nay, Thành phố đã xây dựng được hạ tầng dùng chung bao gồm hệ thống giao ban trực tuyến trên nền mạng WAN tốc độ cao kết nối tới 53 điểm tại các quận, huyện và các sở, ban, ngành. Đảm bảo sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Thành phố thông qua Cổng thông tin điều hành nội bộ và hệ thống phần mềm quản lý văn bản; kết nối liên thông giữa các sở, ban, ngành và quận, huyện; kết nối Internet tốc độ cao và phục vụ các ứng dụng khác. Đáng chú ý, Thành phố đã mở thầu xây dựng trung tâm dữ liệu Nhà nước và nội bộ (được coi là trái tim của nền hành chính điện tử) nhằm tích hợp dữ liệu, đảm bảo kỹ thuật, hệ thống máy chủ các sở, ban, ngành sẽ khánh thành vào đầu quý II/ 2011.

Thành phố đã triển khai hệ thống thư điện tử công vụ, 100% cán bộ công chức tại các đơn vị này đều đã được cấp hộp thư điện tử riêng phục vụ trao đổi công việc. Số lượng cán bộ công chức được cấp hộp thư điện tử để sử dụng trong công việc tại 20 sở, ngành và 29 UBND quận, huyện, đạt 32%. Tính đến thời điểm hiện tại toàn Thành phố đã có 35/49 đơn vị đang sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Cùng đó, hiện nay văn phòng UBND Thành phố đang triển khai thí điểm chữ ký số nhằm phục vụ Hệ thống gửi nhận văn bản điện tử của Thành phố cho một số sở, ngành. Hiện 17 sở và 17 quận, huyện, thị xã đã có website, đã cung cấp thủ tục hành chính công mức độ 2.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo kỹ năng ứng dụng cho cán bộ công chức liên tục được đẩy mạnh. Thành phố đã đào tạo kỹ năng cho hơn 4.000 công chức và đồng thời đang chuẩn bị đào tạo cả trong và ngoài nước cho 120 cán bộ chủ chốt, nòng cốt cho nền hành chính điện tử từ năm 2011-2015. Ngoài ra, hàng năm Trung tâm đào tạo CNTT&TT đã thực hiện triển khai các khoá đào tạo cho cán bộ, công chức tập huấn về hệ thống thông tin cho cán bộ chủ chốt, bồi dưỡng về hệ thống thông tin quản lý nhà nước, đào tạo về các dịch vụ công trực tuyến và phần mềm triển khai tại bộ phận “một cửa”, bồi dưỡng về ứng dụng CNTT trong việc khai thác tài nguyên mạng và thư điện tử, đào tạo tin học nâng cao cho cán bộ phụ trách CNTT, đào tạo tin học cho học viên là người sử dụng công cụ CNTT…

Hiện toàn Thành phố đã có 45/49 đơn vị (91,8%) có cán bộ chuyên trách có bằng đại học hoặc cao đẳng về CNTT. Một số đơn vị có trung tâm hoặc một bộ phận chuyên trách về ứng dụng CNTT, tuy nhiên năng lực còn hạn chế, thiếu ổn định, thường xuyên luân chuyển.

1.jpg.jpg
Ứng dụng “một cửa thủ công” sẽ dần được thay thế bởi “một cửa điện tử”

Đẩy mạnh “một cửa điện tử”

Ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp tại bộ phận “một cửa điện tử” là mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội. Theo thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội, hiện nay tại 7/20 sở, ban, ngành và 28/29 quận, huyện, thị xã đã trang bị đồng bộ hệ thống CNTT. Trong đó có 9 quận, huyện đã trang bị CNTT xuống bộ phận “một cửa” của các xã phường.

Đối với cấp quận, huyện, hệ thống “một cửa” của các đơn vị này đã và đang được triển khai theo mô hình hiện đại có các phân hệ thiết bị như thiết bị phục vụ quản lý xếp hàng tự động, camera theo dõi, thiết bị thông tin hướng dẫn thủ tục hồ sơ làm việc trên màn hình cảm ứng có kích thước màn hình 21 inch tới 42 inch và loại Kiosk cung cấp thông tin với màn hình cảm ứng 17 inch, hệ thống thông báo tự động qua tổng đài điện thoại...

Các đơn vị quận, huyện hầu hết đã lắp đặt thiết bị đọc mã vạch của mã số hồ sơ trong giấy biên nhận của công dân (còn khoảng 8-9 đơn vị chưa lắp máy quét mã vạch), cung cấp thông tin về tình trạng hồ sơ cho công dân, thông qua máy quét mã vạch hồ sơ trên giấy biên nhận hồ sơ của công dân. Riêng UBND quận Tây Hồ hiện đã kết nối tổng đài trả lời tự động, hỗ trợ công dân tra cứu thông tin tình trạng hồ sơ của công dân, qua hệ thống tổng đài trả lời tự động với 4 đường vào.

Các quận huyện khi có trang web riêng đều thực hiện kết nối với phần mềm hồ sơ một cửa, để thực hiện cung cấp thông tin về hướng dẫn thủ tục hồ sơ hành chính một cửa và tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ cho công dân thông qua trang web của quận, huyện.

Về mặt dữ liệu trong hệ thống “một cửa”, hiện đã được chuẩn hóa về các thủ tục, hướng dẫn hồ sơ, quy trình của hồ sơ, thủ tục và chuẩn hóa dữ liệu ở các vấn đề như mã số thủ tục hồ sơ đã được chuẩn hóa toàn bộ theo quyết định của Thành phố mới ban hành về mã số thủ tục và mã số hồ sơ từ cấp quận huyện tới phường, xã, thị trấn và đã được hiệu chỉnh cho phần mềm để áp dụng quản lý bắt đầu từ tháng 5/2010. Các dữ liệu quản lý hồ sơ có liên quan tới thủ tục đã được thành phố và các đơn vị chuẩn hóa, đảm bảo bước đầu cho việc tương thích dữ liệu, hỗ trợ nhận dạng hồ sơ trong liên thông xử lý hồ sơ sau này giữa các đơn vị quận huyện và phường, xã; giữa quận, huyện và các sở, ban, ngành trong Thành phố.

Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số tháng 9/2010.