Hà Nội yêu cầu các nội dung kết luận, kiến nghị tại Kết luận số 1422/KL-TTCP về việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn TP của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ phải hoàn thành, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/3/2018.


UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND thực hiện chỉ đạo của Thành ủy tại Công văn số 837-CV/TU ngày 31/01/2018 về việc rà soát lại các dự án đang triển khai và chuẩn bị triển khai theo hình thức BT, BOT để đảm bảo thực hiện đúng quy định và không để xảy ra các hạn chế, khuyết điểm như Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra tại Kết luận thanh tra số 1422/KL-TTCP ngày 06/6/2017.

{keywords}
Dự án Đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (quận Hoàng Mai) được triển khai theo hình thức BT, trong đó vốn đối ứng là khu đô thị The Manor Central Park, 1 trong những dự án “dính” sai phạm theo kết luận của TTCP.


Theo đó, các nội dung kết luận, kiến nghị tại Kết luận số 1422/KL-TTCP ngày 06/6/2017 của TTCP và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại Văn bản số 6844/VPCP-V.I ngày 03/7/2017 của Văn phòng Chính phủ phải hoàn thành, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/3/2018.


Các bên liên quan được yêu cầu “rút ra bài học kinh nghiệm về các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra tại Kết luận thanh tra; rà soát quy định của pháp luật để thống nhất trình tự, thủ tục các bước thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả quản lý đối với công tác quản lý dự án BT, BOT”.


Chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phân công cụ thể từng cán bộ tham gia công tác giải quyết thủ tục, quản lý thực hiện dự án tại các sở, ngành, Ban Quản lý dự án chuyên ngành, địa phương có liên quan. Không để xảy ra sai sót, khuyết điểm, thất thoát tài sản Nhà nước tại các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT.


Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị tại các văn bản trên, báo cáo của UBND Thành phố trước ngày 31/3/2018.


Hoàn thiện quy trình thủ tục thực hiện đầu tư dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BT, BOT; đôn đốc Tổ công tác Liên ngành Thành phố thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định thành lập số 6788/QĐ-UBND ngày 29/9/2017 của UBND Thành phố, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/3/2018. Chủ trì cùng các sở, ngành, các đơn vị liên quan triển khai công tác đầu tư theo hình thức BT, BOT theo đúng quy định của pháp luật.


Thanh tra Thành phố giám sát, đôn đốc các đơn vị trong việc thực hiện Kết luận số 1422/KL-TTCP ngày 06/6/2017 của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của UBND Thành phố trong việc thực hiện kết luận của Thanh tra.


Trước đó, như VietNamNet thông tin, trong năm 2017, TTCP đã thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trên địa bàn TP.Hà Nội. Trong đó tập trung kiểm tra 7 dự án về giao thông, môi trường thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.


Kết luận của TTCP chỉ rõ, trong giai đoạn 2008-2012, UBND TP Hà Nội chưa thực hiện đúng việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án theo quy định gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư. Việc không tuân thủ quy định dẫn đến các thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, các lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi, dẫn đến hạn chế số lượng nhà đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.


Tại thời điểm thanh tra có 15 dự án theo hình thức BT nhưng chỉ một dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu.


Kết luận thanh tra nêu nhiều nhà đầu tư được lựa chọn “có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo như Công ty CP Tasco đối với dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; Công ty Bitexco với dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An”.


Hầu hết dự án bị chậm tiến độ và nguyên nhân được xác định do chủ đầu tư không đủ năng lực huy động vốn, vốn chủ sở hữu không đảm bảo giải ngân theo tiến độ cam kết như Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ…


Theo TTCP, việc giám sát thực hiện hợp đồng của UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ. Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện phải gia hạn hợp đồng làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách kịp thời như mục tiêu đề ra.


Từ những vi phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội xử lý trách nhiệm của lãnh đạo liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong quyết định lựa chọn nhà đầu tư; xử lý trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chậm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đường Hà Nội - Hưng Yên.


Ngoài ra, Thanh tra cũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội xử lý trách nhiệm các sở, ban ngành, chức năng, cơ quan quản lý hợp đồng BT và các tổ chức cá nhân thuộc UBND TP đã có khuyết điểm nêu trong kết luận.


Trong danh mục các dự án bị thanh tra, 7 dự án BT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường quy mô lớn được điểm danh gồm Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Dự án Đầu tư xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài; Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Nam tỉnh Hà Tây; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương; Dự án Đầu tư xây dựng đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An; Dự án Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đoạn qua địa phận Hà Nội.


Theo danh sách này, một loạt đại gia đã vào tầm ngắm xử lý của các cơ quan chức năng gồm Gamuda, Nam Cường, Bitexco, Tasco...


Hồng Khanh

Hà Nội lập tổ kiểm tra thực hiện thanh tra các dự án BT, BOT

Hà Nội lập tổ kiểm tra thực hiện thanh tra các dự án BT, BOT

Hà Nội lập Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường

Nhiều dự án BT, BOT nghìn tỷ ở Hà Nội ‘dính’ sai phạm

Nhiều dự án BT, BOT nghìn tỷ ở Hà Nội ‘dính’ sai phạm

Hàng loạt dự án BT, BOT nghìn tỷ được “điểm danh” với những sai phạm nghiêm trọng.

Kết luận thanh tra điểm mặt nhiều ông lớn BĐS, ‘vạch’ sai phạm hàng nghìn tỷ

Kết luận thanh tra điểm mặt nhiều ông lớn BĐS, ‘vạch’ sai phạm hàng nghìn tỷ

Năm 2017 có nhiều kết luận thanh tra về những sai phạm các dự án, chủ đầu tư và cơ quan quản lý trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), xây dựng. Bước sang năm 2018 sẽ tiếp tục thanh tra một loạt “ông lớn”.

Thanh tra hàng loạt dự án của các ‘đại gia’ BĐS trong năm 2018

Thanh tra hàng loạt dự án của các ‘đại gia’ BĐS trong năm 2018

Trong số hàng loạt dự án bất động sản thanh tra năm 2018 có rất nhiều dự án lớn của các đại gia BIM Group CEO Group Bitexco Geleximco Khang Điền