9 tháng đầu năm 2021, trước diễn biến nguy hiểm của biến chủng Delta, TP Hà Nội đã trải qua 2 giai đoạn phòng, chống dịch cam go, đan xen nhiều khó khăn, thách thức, phát sinh nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ. 

Từ ngày 24/7, toàn TP phải trải qua 4 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; tình hình sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực bị tác động tiêu cực, nhiều hoạt động bị đình trệ, ảnh hưởng cuộc sống sinh kế của người dân,... 

{keywords}
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng chống dịch tại chốt kiểm soát. Ảnh: V.Thành

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp từ TP đến cơ sở, sự đồng thuận và chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, toàn TP đã nỗ lực, quyết tâm chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh bằng nhiều giải pháp quyết liệt, kiên trì, đúng hướng với nguyên tắc “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba”, quyết tâm thực hiện "mục tiêu, nhiệm vụ kép"; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung nỗ lực thực hiện các biện pháp phục hồi phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. 

Trên cơ sở đánh giá, nhận định trúng và đúng tình hình dịch bệnh và nguy cơ lây lan trong cộng đồng, Ban chỉ đạo TP đã kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, phù hợp. 

Đặc biệt, TP đã chủ động thực hiện các biện pháp áp dụng giãn cách xã hội toàn TP trong tình hình mới, kịp thời ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn với biến chủng virut Delta nguy hiểm, lây lan nhanh. 

TP đã chỉ đạo chuẩn bị các phương án cao hơn mức độ thực tế dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu điều trị, thu dung bệnh nhân thể nhẹ và không triệu chứng, thành lập các khu cách ly tập trung F1 quy mô lớn và lắp đặt hệ thống oxy y tế, sẵn sàng triển khai phương án Trạm y tế lưu động theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo khả năng tiếp cận y tế từ sớm, từ xa và ngay từ cơ sở trong các trường hợp cấp thiết, hiệp đồng phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế của Trung ương đóng trên địa bàn, lực lượng y tế của các tỉnh lân cận để triển khai chiến dịch xét nghiệm sàng lọc tầm soát diện rộng toàn TP và tiêm vắc xin mũi 1 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng.

Kết quả phát triển KT-XH 9 tháng năm 2021 của TP chịu nhiều tác động do dịch Covid-19. Quý II/2021, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, tình hình sản xuất, kinh doanh có tín hiệu khởi sắc rõ nét, hầu hết các chỉ tiêu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. 

Tổng sản phẩm trên địa bàn quý II tăng 6,61% góp phần thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn cùng kỳ năm 2020. 

Quý III/2021, khi TP phải thực hiện giãn cách xã hội để tập trung công tác phòng, chống dịch, tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, trong đó có nhiều chỉ tiêu tháng 9 tuy tăng so với tháng 8 nhưng giảm so với cùng kỳ: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2021 giảm 7,02% so với cùng kỳ năm 2020, nhất là khu vực dịch vụ và các ngành công nghiệp, xây dựng; tính chung 9 tháng tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu NSNN trên địa bàn 9 tháng ước đạt 176.737 tỷ đồng, đạt 75% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán TP giao), bằng 105,4% so với cùng kỳ. 

Một số lĩnh vực vẫn gặp nhiều khó khăn như văn hóa, thương mại du lịch, khách sạn; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 kéo dài thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; thu hút FDI đạt thấp… 

Tuy nhiên, TP có một số ngành kinh tế duy trì tăng trưởng: Tài chính, ngân hàng tăng 8,68% so với cùng kỳ năm trước; thông tin và truyền thông tăng 6,34%; khoa học công nghệ tăng 5,54%; giáo dục và đào tạo tăng 4,26%; thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.

Riêng y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 9 tháng tăng 28,13% do Trung ương và TP đẩy mạnh hoạt động khám, chữa bệnh, hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 và tập trung nguồn lực mua vắc xin. 

Nhiều chính sách an sinh xã hội với người gặp khó khăn

Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và phương châm “Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu”, quan tâm hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Đến nay, TP đã quyết định hỗ trợ gần 1.144 tỷ đồng.

{keywords}
Lãnh đạo MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tặng quà cho người gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Thế Khánh

Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cũng đã hỗ trợ 3.431 suất quà cho hộ nghèo; ngoài ra các tổ chức chính trị, xã hội và một số quận, huyện, thị xã đã huy động nguồn lực xã hội để tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa giúp đỡ, hỗ trợ cho 980.548 lượt người, hộ gia đình với số tiền 274,273 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND TP đã chỉ đạo triển khai nhiều chính sách về an sinh xã hội hỗ trợ lao động tự do ngoại tỉnh, thu dung người lang thang; bổ sung 500 tỷ đồng vào nguồn vốn vay ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP để vay ưu đãi, phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh, đảm bảo duy trì tốt hệ thống thông tin liên lạc được duy trì liên tục, thông suốt. 

Các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao được duy trì tốt, phù hợp với điều kiện diễn biến dịch Covid-19 song vẫn đảm bảo hiệu quả, nhất là các sự kiện lớn về chính trị, xã hội. 

Hà Nội đã thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động đón khách tham quan; dừng tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao tập trung đông người để tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Các công trình phục vụ SEA Games 31 được tập trung đẩy nhanh tiến độ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp…

{keywords}
Người dân đi siêu thị mua lương thực chuẩn bị cho những ngày giãn cách. Ảnh: Phạm Hải

Mặc dù chịu ảnh hưởng và tác động bởi tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển; việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học. 

Đồng thời, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả các phong trào thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp, đặc biệt là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Duy trì bồi dưỡng các đội tuyển thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021 và duy trì thành tích giải cao trong các kỳ thi quốc tế. 

Chất lượng công tác khám chữa bệnh được nâng cao, tập trung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân. Đẩy mạnh phát triển kỹ thuật mới tại các tuyến điều trị trong ngành, đặc biệt tại các bệnh viện hạng I; cải tiến quy trình khám chữa bệnh tại Khoa khám bệnh các bệnh viện.

Có thể nói, 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp nhưng kinh tế - xã hội Thủ đô vẫn đạt được kết quả tích cực, một số mục tiêu, chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt kế hoạch đề ra. 

Đây là kết quả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân Thủ đô, sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương với TP.

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế

Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng năm 2021, cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường.

{keywords}
Chợ Đồng Xuân những ngày giãn cách. Ảnh: Phạm Hải

UBND TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch điều hành kinh tế-xã hội theo 2 kịch bản trong quý 3 và quý 4, tuy nhiên sẽ phấn đấu đạt kịch bản cơ sở là: Quý 4 năm 2021 đạt tăng trưởng 6,98% và cả năm 2021 đạt 4,54%. 

TP cũng tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các biện pháp phù hợp để tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, đặt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết tâm bảo vệ an toàn cho Thủ đô, bảo đảm ngăn chặn, đẩy lùi, không để dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học. Triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. Thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông làm nền tảng cho phát triển Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội. Hướng dẫn các cấp học triển khai chương trình giáo dục năm học mới phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19 và chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Hương Quỳnh