Nhiều chỉ tiêu tăng khá cao

Theo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), an ninh quốc phòng tháng 4/2021 của UBND TP Hà Nội, tháng 4/2021, TP đã hết sức cố gắng, nỗ lực thực hiện và hoàn thành xuất sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, kinh tế phục hồi mạnh, nhiều chỉ tiêu tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 1,6% so với tháng 3 và tăng 22,7% so với tháng 4/2020 (cùng kỳ giảm 4,3%). Lũy kế 4 tháng đầu năm, IIP tăng 11,1% (cùng kỳ tăng 2,3%).

Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 đạt 1.348 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng 3 và tăng 25,3% so với tháng 4/2020 (cùng kỳ giảm 0,8%); Lũy kế 04 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 4.732 triệu USD, tăng 12% (cùng kỳ giảm 4,7%).

Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 đạt 3.023 triệu USD, tăng 3,7% so với tháng 3 và tăng 38,6% so với tháng 4/2020 (cùng kỳ giảm 10%); Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 10.749 triệu USD, tăng 20,8% (cùng kỳ giảm 9,5%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 4 tăng 1,5% so với tháng 3 và tăng 150% so với tháng 4/2020 (cùng kỳ giảm 27,7%); Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 16,7% (cùng kỳ giảm 6,3%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,6% (cùng kỳ tăng 4,57%).

Khách du lịch trong tháng 4 tăng mạnh, trong đó khách quốc tế tăng 17,1% so với tháng 3 và tăng 3,36 lần so với tháng 4/2020, khách trong nước tương ứng tăng 2,5% và 23,7 lần. Do suy giảm mạnh trong các tháng 1, 2 và 3 so với năm 2020 chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên lũy kế 4 tháng đầu năm, khách quốc tế giảm 89,2%; khách trong nước tăng 22,1%.

Sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Cây trồng phát triển tốt, đã gieo trồng được 85 nghìn ha lúa vụ Xuân. Đàn trâu, bò, lợn và gia cầm đều tăng; lợn có 1,31 triệu con, tăng 19%; đàn gia cầm 39,1 triệu con, tăng 5,1%. 

Lũy kế 4 tháng đầu năm, đã thu hút: Đầu tư nước ngoài đạt 223,9 triệu USD; Đầu tư vốn ngoài ngân sách 28 dự án với tổng số vốn 3.802 tỷ đồng; 8.540 Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp với vốn đăng ký 95.150 tỷ đồng (tăng 10% về số lượng doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký so với cùng kỳ).

Tổng thu NSNN trên địa bàn hết tháng 04/2021 ước là 92.117 tỷ đồng, đạt 36,7% dự toán (đạt 39,1% dự toán Trung ương giao), bằng 99,9% so với 4 tháng đầu năm 2020 (cùng kỳ 2020 là 98,4%).

Chi ngân sách địa phương là 17.610 tỷ đồng, đạt 16,2% dự toán, bằng 92,3% so với 4 tháng đầu năm 2020 (cùng kỳ là 110,8%); trong đó chi đầu tư phát triển là 4.848 tỷ đồng, đạt 9,5% dự toán, bằng 78,3% so với cùng kỳ; chi thường xuyên là 12.750 tỷ đồng, đạt 26,9% dự toán và bằng 99% so với cùng kỳ.

Theo công bố của VCCI ngày 15/4, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Hà Nội đạt 66,93 điểm (giảm 1,87 điểm so với năm trước), duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, TP (không thay đổi xếp hạng so với năm 2018 và 2019), tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012, là năm thứ 3 liên tiếp, Hà Nội trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước. 

Tuy nhiên TP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp, nhiều đơn vị mới giải ngân dưới 10%...

Đón đầu cơ hội đầu tư từ các đối tác quan trọng

Trước diễn biến nguy hiểm của dịch Covid-19 trên thế giới và trong khu vực, Hà Nội quán triệt cao nhất tinh thần phòng chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay; bởi nếu nắm chắc thế chủ động, kiểm soát tốt dịch bệnh thì Hà Nội mới có thể thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của TP năm 2021 và các năm tiếp theo.

Song song với các biện pháp thắt chặt đảm bảo an toàn dịch bệnh, Hà Nội cũng hạ quyết tâm cần tốc lực triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ tăng trưởng KT-XH bền vững trong quý II và các tháng cuối năm 2021.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở sẽ chủ trì, phối hợp các huyện, thị xã của Hà Nội, các tỉnh, TP tổng hợp, cung cấp chi tiết sản phẩm nông sản, sản phẩm trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có nhu cầu kết nối tiêu thụ tại Hà Nội.

Sở Công Thương cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt số liệu nguồn cung hàng hóa, nông sản của Hà Nội và các tỉnh liên quan để tính toán, bảo đảm cân đối hàng hóa trên địa bàn TP, bình ổn thị trường. 

Đồng thời, tiếp tục giới thiệu doanh nghiệp chế biến có uy tín, các nhà phân phối, bán lẻ, các trung tâm thương mại, siêu thị Hà Nội để kết nối tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn để ổn định sản xuất và thị trường tiêu thụ, bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa còn thiếu vào thị trường Hà Nội phục vụ nhu cầu nhân dân Thủ đô.

{keywords}
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh việc TP cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững trong quý II và các tháng cuối năm 2021; tăng tốc phát triển kinh tế, đón đầu cơ hội đầu tư từ các đối tác quan trọng của TP, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021.

Trước mắt, tập trung phối hợp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; quyết liệt tháo gỡ các rào cản để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) TP. 

Trong đó, các đơn vị cần tiếp tục công khai, minh bạch hóa thông tin, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng về: Quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính… cho công dân, doanh nghiệp trên website hoặc trang thông tin điện tử.

Hương Quỳnh