Thông tin nêu trên vừa được Cổng giao tiếp điện tử UBND thành phố Hà Nội cho biết.
Theo đó, cùng với việc đồng ý đề xuất của Sở TT&TT Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội nghiên cứu kế hoạch tổng thể, thống nhất với Sở TT&TT đảm bảo phù hợp chỉ đạo chung của thành phố.
![]() |
Công văn 6731 ngày 5/8/2016 của UBND thành phố Hà Nội cho ý kiến đối với việc triển khai xây dựng số hóa CSDL hạ tầng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng thông tin rõ về lý do Sở TT&TT đề nghị chưa triển khai nội dung công việc này.
Cụ thể, trong văn bản nêu ý kiến về việc triển khai xây dựng số hóa CSDL hạ tầng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố, Sở TT&TT Hà Nội đã cho biết, trước đây trong lĩnh vực giao thông vận tải, Hà Nội đã đầu tư một số công trình giao thông đường bộ, hệ thống giao thông gắn với ứng dụng CNTT như: Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông của thành phố; Quản lý giấy phép lái xe bằng vật liệu PET; Triển khai hệ thống thẻ vé điện tử thông minh; Hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên tuyến BRT từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa thuộc hợp phần xe buýt nhanh (BRT)...
Mặc dù nhận định các công trình trên đã đạt được một số kết quả bước đầu, song Sở TT&TT Hà Nội cũng cho hay, từ đầu năm nay, theo chỉ đạo của UBND thành phố, hệ thống ứng dụng CNTT của thành phố sẽ theo hướng tập trung, đồng bộ thống nhất.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2016 đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 26/5/2016, Sở GTVT đã được giao thực hiện rà soát, nâng cấp và khai thác các ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý giao thông làm cơ sở hình thành hệ thống giao thông thông minh trước ngày 1/1/2017.
Trong văn bản báo cáo UBND thành phố, Sở TT&TT Hà Nội cũng nhận định, việc ứng dụng CNTT lĩnh vực giao thông phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề như: quản lý hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, điều khiển tín hiệu giao thông, cơ sở hạ tầng và các ứng dụng để hình thành hệ thống giao thông thông minh. Đồng thời, việc triển khai sẽ liên quan đến các dữ liệu bản đồ nền dùng chung của thành phố.
“Do đó, để việc triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giao thông được tổng thể, thống nhất, Sở TT&TT đề nghị UBND thành phố xem xét: Chưa triển khai xây dựng số hóa cơ sở dữ liệu hạ tầng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố vì đây chỉ là ứng dụng nhỏ, lẻ và chỉ phục vụ cho đối tượng sử dụng là cán bộ phòng quản lý hạ tầng (Sở GTVT).
Trên cơ sở hiện trạng, yêu cầu ứng dụng CNTT trong công tác quản lý của ngành và định hướng ứng dụng giao thông thông minh phục vụ xã hội, UBND thành phố giao Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất và báo cáo UBND tổng thể các nội dung triển khai ứng dụng CNTT để làm cơ sở tổ chức thực hiện”, Sở TT&TT đề xuất.
Trước đó, theo Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, tại hội thảo chủ đề “Giao thông thông minh, các giải pháp áp dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý giao thông của thành phố” diễn ra ngày 4/8/2016, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT thành phố Hà Nội đã cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ thực hiện chương trình lắp đặt Wi-Fi miễn phí ở nhiều điểm trong thành phố để người dân có thể liên tục cập nhật tình hình giao thông.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hệ thống giao thông công cộng, ông Nguyễn Đức Chung, cũng đã yêu cầu Tổng Công ty Vận tải Hà Nội nghiên cứu, đề xuất Đề án tái cơ cấu và nâng cao chất lượng xe buýt trong đó chú trọng đầu tư công nghệ mới, đào tạo lại đội ngũ lái xe, nâng cao chất lượng phục vụ... Theo đó, đến ngày 1/1/2017, phải chấm dứt tình trạng có quá nhiều các công ty con về xe buýt.