Hà Nội có khoảng trên 107.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 1,3% dân số toàn thành phố) cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ; với diện tích tự nhiên chiếm khoảng 10% diện tích thành phố.
Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS.
Rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển
Trong giai đoạn 2021-2030, Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Ban Dân tộc Thành phố đã phối hợp cùng chính quyền các cấp thực hiện tốt chính sách dân tộc và các nội dung trong chương trình này. Các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền cơ sở tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình.
Để phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của Chương trình, Hà Nội ưu tiên các nguồn vốn thực hiện chương trình. Theo Kế hoạch 253/2021 của UBND thành phố Hà Nội, tổng nguồn vốn dự kiến cho Chương trình MTQG 1719 là hơn 2.144 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là gần 1.648 tỷ đồng, với 109 dự án; nguồn vốn sự nghiệp là gần 497 tỷ đồng. Đến nay kết quả triển khai thực hiện, thành phố hoàn thành cơ bản 32/35 chỉ tiêu, còn 3/35 chỉ tiêu tiếp tục thực hiện, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.
Để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra, theo Kế hoạch số 68/2024, thành phố đã điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản là hơn 2.644 tỷ đồng, với 176 dự án. Như vậy, tổng số vốn sau cập nhật, bổ sung là gần 3.141 tỷ đồng cho công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của toàn thành phố năm 2023 là 0,03%. Thu nhập bình quân vùng nông thôn là gần 80 triệu đồng/người/năm. Riêng vùng đồng bào DTTS&MN đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và vùng nông thôn.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 10%, thu nhập bình quân đầu người tăng đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm (tăng trên 30 triệu so với năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, đến nay tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS là 0,38%, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS là 0,2% (giảm 3,32% so với năm 2018).
Ngoài ra, trên 80% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% xã dân tộc, miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số hộ được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được thực hiện có hiệu quả. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đồng bào các DTTS ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến là người DTTS ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, trình độ phát triển của vùng đồng bào DTTS vẫn còn khoảng cách chênh lệch so với vùng đồng bằng và đô thị. Thu nhập bình quân đầu người còn khoảng cách khá xa so bình quân chung của Thủ đô. Quy mô nền kinh tế và cơ cấu kinh tế chuyển biến tiến bộ nhưng còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Xuất phát điểm vùng dân tộc miền núi thấp, địa bàn xa trung tâm, mặc dù đã được quan tâm dành nguồn lực đầu tư lớn nhưng phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn hạn chế, nhu cầu đầu tư lớn.
Trong thời gian tới, công tác dân tộc sẽ được thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Cụ thể hoá các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội của thủ đô và đất nước.