- "Hành động bố mẹ ôm con vượt rào sắt, theo tôi, một phần nguyên nhân là do Hà Nội quá thiếu chỗ vui chơi cho trẻ", ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em nhận xét.

Theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em thì việc bố mẹ bế con vượt rào để vào tắm miễn phí là hành động là quá coi thường tính mạng của con. Ông An cho rằng, những phụ huynh này đã vì cái lợi trước mắt, vì được miễn phí mà coi thường tính mạng trẻ, có thể dẫn đến những nguy hiểm, tai nạn, thương tích cho trẻ.

Sự lệch lạc

Theo ông An, sự việc bố mẹ bất chấp nguy hiểm bế con vượt rào công viên nước Hồ Tây để vào tắm có nhiều điểm phải bàn.

{keywords}

Hà Nội cần có nhiều khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng ở các quận, phường, giá vé vào cửa phù hợp hơn nữa thì những hành động như thế này sẽ không còn cơ hội tái diễn.

Thứ nhất, bố mẹ biết quan tâm, kiềm chế mong muốn thỏa mãn yêu cầu vui chơi của con thì hội chứng đám đông xấu sẽ không xảy ra khi mà bối cảnh xã hội tạo điều kiện cho nó.

Thứ hai, lỗi vẫn phải quy về nhà tổ chức không lường được số lượng "thượng đế" để lên kế hoạch, để có giải pháp ứng phó phù hợp, nhưng phía sau đó còn rất nhiều vấn đề. Tư duy kiểu phải có được những gì người ta có mà mình không có, phải lấy được những gì mà mình không lấy, người khác sẽ lấy... không phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc, cũng như với một xã hội văn minh mà con người đang hướng tới. Những câu chuyện như đã nêu trên không chỉ có ở Hà Nội, ở Việt Nam, nhưng dù ở đâu thì cũng là những hành vi thiếu văn hóa, thiếu nhân văn, đáng xấu hổ và rất đáng lo ngại.

Bản thân người quản lý đã không lường trước được sự nguy hiểm. Người ta nghĩ sự tháo khoán là đơn giản nhưng họ đâu biết rằng giữa một xã hội hỗn loạn nhu cầu như hiện nay thì việc làm này là không hề phù hợp. Nếu họ biết họ đã có sự điều tiết để không xảy ra tình trạng bố mẹ bế con vượt hàng rào như vậy.

Trên thực tế trước đây cũng đã có nhiều hành động bộc phát cũng bởi nguyên do tâm lý đám đông như giẫm lên thảm cỏ, bẻ hoa… và những hành động này đều được họ biện hộ rằng đó là "lẽ thường tình”.

Thứ ba là sự thiếu quan tâm từ những người lớn. Đó là sự giáo dục từ gia đình: Các bậc cha mẹ không làm gương cho con, lãnh đạo cũng không làm gương, nhà trường thiếu giáo dục về đạo đức dẫn đến cả một xã hội thay đổi đạo đức dẫn đến có sự lệch lạc.

Thứ tư là phải nói về tâm lý đám đông hiện nay, tâm lý con người nói chung, cứ giảm giá, giá rẻ, tháo khoán không phải bỏ tiền ra thì cả người giàu, người nghèo đều ùa theo, đều thích cả.

Chính vì vậy tôi khuyên các bậc cha mẹ hãy tôn trọng kỷ luật chung của công cộng mà xã hội đã quy định. Đừng nên vì một chút miễn phí mà coi thường tính mạng trẻ.

Quá thiếu điểm vui chơi cho trẻ em

Theo ông Nguyễn Trọng An, rõ ràng, việc người dân trèo rào vào bể là phản cảm, là đáng chê, tuy nhiên nhìn rộng hơn, nguyên nhân của tình trạng này là do Hà Nội quá thiếu khu vui chơi.

Ông An cho biết, trong khi các khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của người dân được đầu tư xây dựng ồ ạt như nấm mọc sau mưa, thì quỹ không gian công cộng dành cho thiếu nhi vui chơi tại trung tâm và các quận huyện của thủ đô Hà Nội lại ngày càng bị thu hẹp.

"Vậy hành động bố mẹ ôm con vượt rào sắt theo tôi cũng bởi một phần nguyên nhân là do Hà Nội quá thiếu chỗ vui chơi cho trẻ", ông An nói.

“Khi doanh nghiệp miễn phí, tháo khoán mà thiếu đi sự kiểm soát thì chắc chắn sẽ có những sự việc đáng tiếc xảy ra. Hành động của những người bố, người mẹ cố bế con vượt rào ở Công viên nước Hồ Tây có thể chỉ là bộc phát nhưng nó cũng nói lên một điều rằng Hà Nội cần có nhiều khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng ở các quận, phường, giá vé vào cửa phù hợp hơn nữa thì những hành động như trên sẽ không còn cơ hội tái diễn”, ông An chia sẻ thêm.

Hạnh Thúy