Ghi nhận thực tế thời gian qua cho thấy, vấn đề phí bảo trì là một trong những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết tại nhiều dự án ở Hà Nội, từ chung cư giá rẻ cho đến cao cấp. Tại nhiều chung cư, cư dân căng băng rôn, xuống đường “đòi” chủ đầu tư trả quỹ bảo trì. Như chung cư cao cấp Hòa Bình Green City 505 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư, Chung cư Star City 81 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) do liên danh giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại VNECO Hà Nội (VNECO) làm chủ đầu tư chủ đầu tư…
Vấn đề quỹ bảo trì là một trong những tranh chấp dai dẳng tại nhiều toà nhà chung cư. |
Vào hồi tháng 4/2019, tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, mức thu 2% ở một số chung cư không hề nhỏ, và tranh chấp quỹ bảo trì thường xảy ra ở những nơi có số thu lớn. Do vậy, phải kiểm soát chặt chẽ để chống lạm dụng tiêu cực.
Cũng theo ông Hà, trong các quy định pháp luật đã nói rất rõ ràng, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào.
Theo các thông tư số 02, số 28 năm 2016 và thông tư 06 được Bộ Xây dựng ban hành năm 2019 về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, trường hợp chủ đầu tư chây ì, cố tình không bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư (2% giá mua căn hộ chung cư) thì ban quản trị các tòa nhà có quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh cưỡng chế, buộc chủ đầu tư phải bàn giao cho ban quản trị tòa nhà theo quy định.
Hay trước đó, các quy định của Luật nhà ở năm 2014, Nghị định 99 năm 2015 cũng quy định biện pháp cưỡng chế, buộc các chủ đầu tư phải bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của các tòa nhà chung cư.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Bộ Xây dựng mới đây, UBND TP. Hà Nội cho rằng trường hợp chủ đầu tư chây ì không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì chung cư cho Ban quản trị tòa nhà là hành vi chiếm hữu tài sản của người khác và tranh chấp xảy ra trong trường hợp này là tranh chấp tài sản thuộc quyền giải quyết của tòa án.
Theo UBND TP. Hà Nội, việc quy định cơ quan hành chính ban hành quyết định cưỡng chế quỹ bảo trì chung cư theo quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư kèm theo thông tư 02 năm 2016 đã được Bộ Xây dựng ban hành là không phù hợp vì cơ quan hành chính không có quyền tổ chức, cưỡng chế tài sản khi tài sản ấy không thuộc sở hữu nhà nước.
Đồng thời, việc tiến hành cưỡng chế có thể làm phát sinh quy trình khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành chính phức tạp.
Vì vậy, TP. Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tư pháp về quan điểm xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư và các nội dung quy chế theo hướng tôn trọng các nguyên tắc dân sự, hạn chế đặt ra các quy định sử dụng quan hệ điều hành - chấp hành để giải quyết quan hệ pháp luật dân sự.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết đã họp, giải trình với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ủy ban Pháp luật cũng kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi Luật nhà ở 2014 liên quan tới quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có các quy định về thu, quản lý, sử dụng, cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư…
Bộ Xây dựng cũng ghi nhận kiến nghị trên của UBND TP. Hà Nội để báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định của Luật nhà ở 2014 nói chung, các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư nói riêng để phù hợp với tình hình thực tế.
Đề nghị khởi tố chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì
Nêu tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ (tháng 4/2019), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Tổng hợp số liệu của 40 địa phương có báo cáo đến thời điểm 31/3/2019 có 11 địa phương có tranh chấp, khiếu nại. Trong đó chủ yếu xảy ra tại Hà Nội, TPHCM với tổng số 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý vận hành.
Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra công tác quản lý sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư tại hàng loạt dự án tại Hà Nội, TP.HCM (Ảnh: Công ty CP thương mại Xây dựng Vietracimex với dự án Hinode City (Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) – 1 trong 16 dự án thanh tra về phí bảo trì năm 2020). |
Trong đó, chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị (có 54 chung cư chiếm 11,8% tổng số tranh chấp và chiếm 79% tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì).
Riêng địa bàn Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ tranh chấp, khiếu nại liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cao hơn. Hà Nội có 39/919 tòa có tranh chấp, chiếm tỷ lệ 4,2%. TPHCM có 15/867 tòa có tranh chấp, chiếm tỷ lệ 1,7% - báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay.
Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh việc kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, Bộ Xây dựng cũng đưa ra nhiều kiến nghị trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Đáng lưu ý, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.
Trước đó, trong phiên chất vấn tại Quốc hội, trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề tranh chấp chung cư, ông Phạm Hồng Hà cho biết, qua thanh tra chưa phát hiện trường hợp nào lạm dụng quỹ bảo trì chung cư. Ông dẫn chi tiết, kiểm tra 92 dự án chung cư, thanh tra xây dựng đã xử phạt hành chính 1,3 tỷ đồng và đưa ra yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả với 11 chủ đầu tư không bàn giao, hoặc chậm bàn giao. Theo ông, hiện chưa vụ việc nào về lạm dụng quỹ bảo trì chung cư được chuyển sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cho rằng, hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư đã cấu thành tội phạm mà ở khoản nặng nhất là ở khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự. Việc thanh tra Bộ Xây dựng không phát hiện ra chứng tỏ hoặc là năng lực pháp luật của thanh tra yếu hoặc không làm hết trách nhiệm. |
Lần đầu tiên thanh tra về phí bảo trì hàng loạt chung cư Cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ký ban hành kế hoạch thanh tra năm 2020. Trong kế hoạch thanh tra năm 2020 của Bộ Xây dựng, vấn đề phí bảo trì các tòa chung cư được chú trọng. Theo đó, Bộ sẽ tiến hành thanh tra công tác quản lý sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư tại hàng loạt dự án tại Hà Nội, TP.HCM trong đó có nhiều dự án của các “ông lớn” bất động sản. Như tại Hà Nội, Công ty CP thương mại Xây dựng Vietracimex với dự án Hinode City (Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); Công ty CP Đầu tư Xâ dựng hạ tầng giao thông với loạt dự án Intracom Trung Văn, Intracom Cầu Diễn, Intracom Riverside (Vĩnh Ngọc, Đông Anh); Công ty CP Đầu tư và phát triển Hoàng Thành với các dự án chung cư tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông); Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp sông Đà 7 với dự án 90 Nguyễn Tuân (Thanh Xuân); dự án CT2AB và CT2C Xuân Phương thuộc Khu đô thị mới Xuân Phương, Nam Từ Liêm; Công ty CP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) với tòa CT1, CT2… khu nhà ở Trung Văn; Công ty Cổ phần Tập đoàn Bắc Hà tại cụm chung cư Bắc Hà C14 (Tố Hữu, Nam Từ Liêm); Công ty TNHH Việt Hân với chung cư TNR36 Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm)… Tại TP.HCM với hàng loạt các tòa chung cư như: Khang Gia Tân Hương (Tân Phú); Hoàng Anh River View (Công ty Hoàng Anh Gia Lai); Chung cư Khánh Hội 2 (Công ty CP Đầu tư dịch vụ Khánh Hội); chung cư Morning Start (Cty CP dịch vụ Xây dựng Địa ốc Xanh)l chung cư Investco- Babylon (Công ty CP Xây dựng và phát triển Hồng Hà)… |
Hồng Khanh
Thanh tra quy hoạch đường ngột thở ở Hà Nội hơn 2km ‘nhồi’ 40 cao ốc
Năm 2020, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra những tuyến đường nổi cộm về quy hoạch như tuyến đường Nguyễn Đức Cảnh (TP.HCM), tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Hà Nội).