Lĩnh vực năng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất 

TS. Nguyễn Hoài Nam, Phó Viện trưởng Viện KHCN Năng lượng và Môi trường, hiến kế để Hà Nội giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho rằng: Net Zero Tracker - một sáng kiến của Đại học Oxford, 240 thành phố đã đặt mục tiêu chính thức phát thải ròng bằng 0. Trong số đó, 60 thành phố đặt mục tiêu không phát thải hoặc trung hòa carbon.

“Đơn cử như tại Úc, thành phố Melbourne năm 2021 đã công bố kế hoạch đạt mức phát thải bằng 0 - không thải khí nhà kính vào khí quyển - vào năm 2040, trong khi Sydney có kế hoạch trở thành trung hòa carbon vào năm 2035.

Tại Vương quốc Anh, nơi đang đặt mục tiêu giảm 78% lượng khí thải carbon vào năm 2035, trước khi đạt mức 0% vào năm 2050”, TS. Nguyễn Hoài Nam thông tin tại Hội nghị khoa học quốc gia: "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu" gần đây.

Vinbus
Hà Nội cần đẩy nhanh chuyển đổi sang xe điện.

Đối với Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện KHCN Năng lượng và Môi trường cho rằng, Thủ đô là khu vực đang bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt, đảo nhiệt.

Thách thức chính của Hà Nội là ngập lụt đô thị do lượng mưa lớn và khả năng thoát nước kém, nghiêm trọng hơn là tốc độ phát triển quy hoạch đô thị nhanh tại các vùng trũng thấp. Hiện tượng đảo nhiệt đô thị cũng gây nên các hiện tượng mưa cực đoan và thời tiết nắng nóng với tần suất ngày càng tăng trên địa bàn.

Các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Cơ sở hạ tầng cũng là một trở ngại của Hà Nội bởi cơ sở vật chất thành phố có những dấu hiệu không theo kịp và cản trở tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững của Thủ đô.

Song song đó, hiện tượng tăng nhiệt độ, nắng nóng góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện năng cho việc làm mát. Các nguy cơ do tác động của biến đổi khí hậu gây ra như ô nhiễm môi trường, ngập lụt ngày càng tăng cũng như sức ép đầu tư cho bệnh viện và trường học lớn, chi phí phục hồi các tổn thương trong sản xuất do nhạy cảm về khí hậu... dẫn đến tăng chi phí đầu tư, giảm nguồn lực và phát sinh những nhu cầu phát thải.

Xây dựng, giao thông và du lịch là những lĩnh vực cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu. Một số thiên tai như bão, lũ lụt, lốc tố,... sẽ tác động đến công tác quy hoạch và thiết kế, tổ chức thi công, làm tăng giá thành các công trình xây dựng, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Đáng lưu ý, kết quả kiểm kê của TP Hà Nội năm 2022 cho thấy lĩnh vực năng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất với gần 8.071,2 nghìn tấn CO2.

Giải pháp nào để giảm phát thải nhà kính?

Nhìn nhận Hà Nội có nhiều tiềm năng giảm nhẹ trong lĩnh vực năng lượng, song theo ông Nam, Thủ đô cũng đối mặt với nhiều khó khăn về cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Do đó, ông Nam cho rằng để thực hiện lộ trình giảm phát thải, nguồn vốn và tài chính là một yếu tố quan trọng, cần có chiến lược huy động và phân bổ tài chính ngay từ sớm.

Trong giai đoạn trước 2030, Hà Nội cần chú trọng thực hiện một số giải pháp như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi để thu hút các dòng vốn đầu tư quốc tế cho ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đơn vị liên quan cần hợp tác chặt chẽ và tiến hành nghiên cứu cụ thể về việc thực hiện tín chỉ carbon, không chỉ tập trung vào cơ chế, biện pháp quản lý, đánh giá và độ tin cậy mà còn đảm bảo hiệu quả chi phí trong việc tạo ra tín chỉ carbon, điều này góp phần đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thiết yếu, xác định mức độ ưu tiên của nhiệm vụ và đảm bảo tiến độ trong quá trình thực hiện.

“Trong mỗi giai đoạn, xây dựng chính sách huy động và quản lý nguồn lực tài chính nhằm khuyến khích, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng cộng đồng phát thải thấp, quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với phát triển sinh kế bền vững, nâng cao khả năng phục hồi của rừng”, ông Nam kiến giải. 

Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông, ông Nam cho rằng Hà Nội nên khuyến khích, đầu tư chuyển đổi các phương tiện giao thông sang dùng điện (ô tô, xe máy, xe buýt), tiến tới ban hành các quy định bắt buộc về tỷ lệ xe điện.

Đồng thời, theo chuyên gia này, Thủ đô cần có cơ chế chính sách chuyển đổi phương thức sử dụng phương tiện cá nhân sang công cộng; Ban hành quy định tiên tiến về mức tiêu hao nhiên liệu. Chuyển đổi phương thức vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy nội địa, đường sắt điện khí hóa. Nghiên cứu công nghệ các nhiên liệu sạch mới như hydro, amoniac để có thể áp dụng, sử dụng cho phương tiện khi giá hợp lý.