Nếu như những người đi xe máy vật vã che chắn để tránh nắng thì trong những ngày Hà Nội như "chảo lửa" này, những người sở hữu ô tô cũng khổ sở không kém tìm chỗ râm mát đỗ xe.
Thời tiết nắng nóng cực điểm kéo dài mấy ngày vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Nếu như những người đi xe máy vật vã che chắn để tránh nắng thì những người sở hữu ô tô cũng khổ sở không kém. Sự khổ sở là loay hoay để tìm được chỗ đỗ xe râm mát đảm bảo không ảnh hưởng đến bên ngoài và nội thất bên trong.
Theo ghi nhận của Phóng viên VTC News, không ít chủ xe phải chấp nhận để dưới nắng hè chói chang, vì không có sự lựa chọn nào khác.
Tại phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) nơi tập trung nhiều cao ốc văn phòng, một số người đỗ xe theo các vị trí đã quy định dưới trời nắng như đổ lửa. Một số điểm là khoảng đất giữa các tòa nhà được tận dụng để đỗ ô tô không có cây xanh hoặc nếu có cũng chưa đủ lớn để tỏa bóng mát.
Nhiều khoảng bóng râm được tận dụng để đỗ ô tô |
Chỉ cần đứng gần cũng đủ cảm nhận được hơi nóng phát ra từ ốp bên ngoài của ô tô. Nếu đặt tay lên mui xe, nắp ca pô hay trần xe sẽ thấy da đỏ ửng hoặc khó chịu.
Anh Hòa (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Biết là có hại với xe khi đỗ dưới trời nắng, nhưng cũng không biết làm gì hơn. Thường ngày tôi vẫn đỗ ở đây, tòa nhà nơi tôi làm việc có tầng hầm nhưng số vị trí đỗ có hạn, trong khi số công ty trong một tòa nhà khá nhiều. Tính ra mấy ngày nắng nóng như thế này, xe của tôi phải đỗ chục tiếng dưới trời nắng cũng xót lắm".
Nhiều chủ xe chấp nhận đỗ ô tô dưới trời nắng |
Tại khu vực Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), dọc một số ngõ nhỏ cũng được cánh tài xế tận dụng làm chỗ đỗ xe. Thế nhưng không phải ai cũng "xí" phần được nơi có chút bóng râm hay cây xanh.
Anh Đắc (Thanh Xuân, Hà Nội) đi ăn trưa cùng đối tác ở khu vực Mỹ Đình nhưng loay hoay mãi không tìm được chỗ đỗ xe. Những vị trí có chút bóng râm đều đã kín chỗ. Sau gần 15 phút quay ngang, quay dọc để tìm chỗ không được, anh Đắc đành chấp nhận đỗ xe bên đường.
Rất ít người ra đường trưa ngày 3/6/2016 |
"Trời nắng như thế này, chỉ cần đỗ 30 phút thôi cũng đủ làm bên trong xe nóng hừng hực. Sau khi ăn xong, nếu ra mở cửa phải đợi ít nhất 10 phút mới có thể đi được. Không chỉ có bên ngoài mà phần ghế bọc da bên trong cũng nóng bừng, ngồi một lúc mới dễ chịu", anh Đắc phàn nàn.
Cánh tài xế taxi vật vã
Vất vả nhất trong những ngày nắng nóng cực điểm là cánh tài xế taxi. Vào những ngày trời mát mẻ, nhiệt độ vừa phải, tài xế taxi có thể nằm nghỉ trong xe. Nhưng với thời tiết nắng nóng như mấy ngày vừa qua, với các dòng xe taxi nhỏ, cánh tài xế đành "tạm trú" ở các quán trà đá vỉa hè trong khi đợi khách.
Anh Tú (Tài xế taxi) cho hay: "Nắng nóng thế này số lượng khách không tăng nhiều như trời mưa. Bởi tâm lý nắng nóng, nhiều người hạn chế ra ngoài. Tất nhiên, để tránh nắng hiệu quả thì taxi vẫn là lựa chọn hàng đầu khi di chuyển. Nhưng không phải ai cũng muốn ra ngoài giữa trưa nên lượng khách nhìn chung không biến động nhiều so với mấy ngày trước đây".
Một tài xế taxi dùng tấm che phía trước xe |
Với kích thước nhỏ, không gian hẹp, những chiếc taxi kích thước nhỏ trở nên ngột ngạt hơn dưới trời nắng như đổ lửa. Vì vậy cánh tài xế cũng tìm mọi cách để che chắn, có người dùng tấm nhựa mỏng chắn trên kính trước để giảm bớt sức nóng và ánh nắng xuyên vào trong xe.
"Cách tốt nhất chúng tôi chọn là ngồi ở quán trà đá. Trưa nắng thế này không phải lúc nào cũng có khách. Nếu ngồi trong xe cũng chật chội và nóng, bật điều hòa cũng không dễ chịu hơn bao nhiêu", một tài xế taxi giấu tên cho hay.
Nếu không ngồi lê la ở quán trà đá, nhiều tài xế tìm các ngõ vắng người qua lại đỗ tạm vừa có chút bóng râm mà không phải vật vờ bên vỉa hè nóng như "chảo rang". Có người thỉnh thoảng múc tạm vài ba xô nước dội bên ngoài xe để giúp hạ bớt nhiệt.
Chú ý gì khi đỗ xe ngày trời nắng
Trả lời phỏng vấn VTC News, kỹ sư Phạm Hồng Thanh (Chuyên gia kỹ thuật ô tô, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Toyota Mỹ Đình) cho biết, mức nhiệt ở ngưỡng nắng nóng 38-39 độ C không ảnh hưởng đến phần ngoại thất bên ngoài xe. Về nội thất, do hiệu ứng nhà kính nên nhiệt độ trong khoang cabin đóng kín của xe cao hơn rất nhiều (có thể tới 60-65 độ C), với nhiệt độ đó có thể ảnh hưởng đến một số chi tiết trong nội thất xe.
"Do hiệu ứng nhà kính nên nhiệt độ trong khoang cabin xe tăng cao so với nhiệt độ bên ngoài, đặc biệt vùng táp-lô trước và táp-lô sau (nằm ngay bên dưới kính chắn gió trước và sau) có thể gây ra một số hư hỏng như: chảy, dính lớp da bọc trên táp-lô/vô-lăng/ táp-pi cửa; cong vênh biến dạng các đồ dùng để trên táp-lô xe; hư hỏng thiết bị điện tử để hoặc gắn trên táp-lô xe...", kỹ sư Phạm Hồng Thanh cảnh báo
Còn kỹ sư Lê Văn Tạch (Công ty Toyota) cho hay, những vị trí chịu ảnh hưởng nhất trong xe ô tô khi để dưới trời nắng nóng là những vị trí gần cửa kính.
Vấn đề đáng lo ngại nhất vào những ngày nắng nóng chính là lốp đã cũ, kém chất lượng có thể bị nổ. Ngoài ra, ma sát do tiếp xúc giữa lốp với nền đường có nhiệt độ cao cũng tiềm ẩn những nguy cơ với lốp không được kiểm tra thường xuyên. Kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng, khi nhiệt độ trong bánh xe tăng làm cho áp suất khí trong bánh xe tăng lên nhưng nhỏ và không thể gây nên nổ lốp với những lốp bình thường không bị sờn rách. Bởi vì khả năng chịu tải của lốp quyết định chính bởi chất lượng lớp cốt sợi bên trong của lốp mà lớp này ít chịu tác động của nhiệt độ.
Còn kỹ sư Phạm Hồng Thanh cảnh báo: "Khi nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 40 độ C, nhiệt độ tại mặt đường còn cao hơn (đặc biệt mặt đường bê tông dày). Mặc dù nhiệt độ đó chưa thể gây nóng chảy hay phá hủy vật liệu cao su làm lốp xe nhưng nhiệt độ cao sẽ làm cao su bị mềm hơn, áp suất hơi bên trong lốp xe tăng lên. Với những lốp cũ đã dùng lâu năm tính năng vật liệu cao su đã bị giảm do lão hóa, lốp xe tiếp xúc với mặt đường có nhiệt cao có thể gây xì hơi hoặc nặng hơn có thể gây nổ lốp nếu lốp nứt và bơm áp suất cao".
Khi người lái xe đã xuống xe, cửa đóng kín lại thêm đỗ xe dưới thời tiết nắng nóng khiến mức nhiệt bên trong ca bin tăng lên đáng kể. Do đó, các vật dụng để bên trong cũng bị nóng lên theo. Điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nổ, cháy với những vật dụng như hộp diêm, bình gas, chai xăng...
Thậm chí, các chai nước là vật dụng xuất hiện nhiều nhất trên xe ô tô nhưng không ít người chủ quan vì chúng vô hại. Nhưng thực tế không phải như vậy. "Những chai nước đặt trong xe không đúng vị trí để nắng chiếu vào cũng có thể gây ra hỏa hoạn. Vì khi đó chai nước như một thấu kính hội tụ, nó làm cho các tia nắng đi qua chai nước bị hội tụ lại tại một vùng nhỏ trong xe và có thể gây cháy nếu gặp vật liệu dễ cháy", kỹ sư Lê Văn Tạch nhấn mạnh.
Về lời khuyên đối với tài xế khi đỗ xe dưới trời nắng nóng, kỹ sư Phạm Hồng Thanh cho rằng, để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra, chủ ô tô cần tuyệt đối không để những đồ dễ gây cháy nổ bên trong xe (như bật lửa, diêm, bình gas, chai xăng,...), đặc biệt không để những thứ dễ bắt cháy tại những bề mặt có nhiệt độ cao như táp-lô trước & táp-lô sau xe.
Nên dán Film cách nhiệt cho các kính chắn gió và kính cửa xe.
Trường hợp nếu đỗ xe trực tiếp dưới trời nắng nóng, nên hé các kính cửa (khoảng 5-7 mm) để giảm hiệu ứng nhà kính nhằm giảm bớt nhiệt độ trong khoang cabin xe.
Thêm vào đó, cần dùng các tấm phủ hoặc rèm che (loại sáng màu để giảm hấp thụ nhiệt vào trong xe) để che xe khi phải đỗ xe trong thời gian dài dưới trời nắng nóng.
Ngoài ra, kỹ sư Lê Văn Tạch cho hay, chủ xe nên trang bị chiếc bạt cho xe ôtô để dùng khi phải để xe lâu ngoài trời mà không có mái che.
Theo VTC