Định hướng thành trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu
Theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, nhiều mục tiêu được đặt ra TP Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế tài chính lớn của Việt Nam với sức ảnh hưởng trong khu vực; trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hà Nội cũng đóng vai trò cực tăng trưởng dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng.
Quy hoạch cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Định hướng Hà Nội thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn
Để trở thành TP thông minh, Hà Nội sẽ cần xây dựng hạ tầng thông tin kỹ thuật số mạnh và an toàn. Tất cả các bộ môn hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, năng lượng, cấp - thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, xử lý rác thải…) sẽ phải được thông minh hóa. Tất cả những điều này đòi hỏi sử dụng số lượng lớn chip bán dẫn. Vì thế, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần có năng lực tương ứng về công nghệ điện tử, công nghệ bán dẫn để xây dựng và vận hành các đô thị thông minh một cách an toàn và bền vững.
Đánh giá về bức tranh tổng quát thu hút FDI trên địa bàn TP Hà Nội thời gian gần đây, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: trong bối cảnh CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ; chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào khu vực Đông Nam Á; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, các tỉnh, TP trong vùng Thủ đô Hà Nội đã có những định hướng “mở” để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.
Hiện vành đai công nghiệp bán dẫn đã bắt đầu hình thành trong vùng Thủ đô (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang…). Do đó, Hà Nội cần phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong tổng thể phát triển của cả vùng Thủ đô cũng như của cả nước. Hỗ trợ, dẫn dắt các địa phương (đào tạo nguồn nhân lực, hậu cần…) và thu hút đầu tư vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị (thiết kế, R&D…). Với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, Hà Nội đang có tiềm năng và cơ hội lớn phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Thực tế, Hà Nội đã liên tục dẫn đầu cả nước về thu thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiều năm trở lại đây.
Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) Nguyễn Trần Quang chia sẻ: “Trong các cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn quan tâm đến việc phát triển lĩnh vực bán dẫn tại Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Đây là thời cơ rất lớn”.
Nhiều nhà đầu tư lớn chọn Hà Nội điểm đến
Tháng 9/2023, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Inventec Techlonogy Việt Nam tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip). Nhà máy của Inventec Techlonogy Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu như: Điện thoại thông minh, máy chủ, thiết bị ngoại vi máy tính; bảng mạch điện tử, đầu chuyển các thiết bị thông minh khác… Dự án này có tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 125 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý IV/2024.
Theo ông Yeh Li-Cheng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Inventec Appliances: “Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội nằm ở điểm cuối phía Nam của Đồng bằng sông Hồng, là đầu mối huyết mạch giao thông Bắc - Nam, xung quanh là đồng bằng rộng lớn, khí hậu dễ chịu, phong cảnh tươi đẹp. Các công trình hạ tầng, phụ trợ trong khu công nghiệp đang dần hoàn thiện và đã trở thành vùng trọng điểm phát triển chiến lược của Thủ đô...”.
Trước đó, Infineon Technologies AG, nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất nước Đức đã thông báo thành lập trung tâm phát triển chip bán dẫn ở Hà Nội. Đại diện Công ty Infineon Technologies AG nhìn nhận, trung tâm phát triển mới tại Hà Nội sẽ đóng vai trò quan trọng trong các kế hoạch tăng trưởng năng lực tham vọng của DES. Về lâu dài, mục tiêu của Infineon là đưa trung tâm tại Hà Nội trở thành một trung tâm R&D tiêu chuẩn quốc tế, tương tự các trung tâm R&D quốc tế của Infineon hiện đặt tại Munich (Đức), Villach (Áo), Bangalore (Ấn Độ) và Singapore.
Các chuyên gia đánh giá rất cao về lợi thế của Hà Nội trong việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn. Không chỉ có Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip), TP hiện còn có 11 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích 2.930ha. Hiện, 14 dự án khu, cụm công nghiệp khác đang trong quá trình triển khai cũng như đưa vào quy hoạch phát triển vào giai đoạn tới.
Đặc biệt, khu Công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều lợi thế để "đón sóng" đầu tư ngành bán dẫn khi đang quy tụ những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam như: Viettel, FPT, Mobifone, Vinaphone, CMC, những cơ sở nghiên cứu và ươm tạo quy mô lớn như: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST), Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).
Đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có 108 dự án đầu tư với số vốn đăng ký là trên 5 tỷ USD. Số cán bộ, chuyên gia, người lao động, học tập tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc khoảng 25.000 người.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực được Chính phủ rất quan tâm; chủ trương thời gian tới sẽ có nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp này. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 ngày 28/6/2024 xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội.
Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Hà Nội sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các loại hình doanh nghiệp số theo phương châm "chính quyền đồng hành - doanh nghiệp hiến kế - kinh tế phát triển".
TP yêu cầu các đơn vị phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động… để sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi… Ngoài ra Hà Nội cũng sẽ triển khai các ưu đãi đầu tư đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn tại Thủ đô. Cụ thể các nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, được áp dụng mức thuế suất ưu đãi với thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân…
Trâm Anh