Theo thông tin ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao đổi tại hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2017 diễn ra ngày 5/4 tại Hà Nội, nhận thức về vai trò quan trọng của Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, trong những năm qua, thành phố Hà Nội chú trọng ứng dụng CNTT để làm thay đổi phương thức điều hành, quản lý, đồng thời thúc đẩy cải cách hành chính của các cơ quan, tổ chức.
“Chính phủ điện tử không chỉ là trang bị máy tính, mạng Internet, hay ứng dụng CNTT đơn thuần, mà phải là sự chuyển biến căn bản trong phương thức điều hành, quản lý xã hội, là chất lượng phục vụ người dân ngày càng nâng cao”, ông Quý nhấn mạnh, đồng thời cho hay Hà Nội đã đần hoàn thiện các thành phần cơ bản của Chính quyền điện tử Thủ đô gồm Trung tâm dữ liệu Nhà nước, mạng diện rộng (WAN), cổng Giao tiếp điện tử thành phố.
Cùng đó, hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin được bước đầu triển khai; hạ tầng kỹ thuật tại các đơn vị cũng từng bước hoàn thiện đáp ứng yêu cẩu triền khai ứng dụng CNTT.
Đến nay, Hà Nội đã triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và trong năm 2016 đã triển khai 129 dịch vụ công mức 3 trong các lĩnh vực: tư pháp, tàỉ nguyên và môi trường, xây dựng, giáo dục và đào tạo, TT&TT trong một nền tảng thống nhất, dùng chung và đồng bộ 30 quận huyện, 584 xã, phường và số lượng hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng đối với các dịch vụ công lĩnh vực tư pháp (bao gồm hồ sơ công dân tự nộp tại nhà và công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi đến làm thủ tục tại UBND phương, xã, thị trấn) đạt trên 70%.
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, thành phố đang chỉ đạo triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh với các hạng mục cải tạo, nâng cấp hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi giai đoạn 2; bổ sung trang thiết bị và cơ sở dữ liệu nâng cao hiệu qủa hệ thống giám sát hành trình GPS, tăng cường năng lực kiểm tra giám sát hoạt động xe buýt.
Hà Nội cũng triển khai đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025; dự án bãi đỗ xe thông minh…
Theo vị lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, những giải pháp thiết thực với đời sống dân sinh là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền thành phố Hà Nội, đồng thời luôn được chỉ đạo sát sao như hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế công lập, chuẩn hóa danh mục dùng chung về thuốc vật tư y tế được Bộ Y tế quy định.
Thành phố cũng thực hiện kết nối trao đổi thông tin qua cổng dữ liệu y tế; triển khai hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính của thành phố, đề xuất phần mềm triển khai cập nhật dữ liệu.
Với những kết quả đã đạt được, Hà Nội hiện đang xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT.
“Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng của mọi chính phủ là phục vụ tốt nhất cho người dân. Vì mục tiêu này, thành phố Hà Nội luôn mong muốn lắng nghe những sáng kiến, giải pháp từ các học giả, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân đóng góp cho quá trình kiến tạo phát triển của Thủ đô, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra”, ông Ngô Văn Quý nhấn mạnh.