Theo Kế hoạch, sẽ thực hiện sắp xếp đối với 8 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 4 phường, 4 xã) không đủ 50% cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết 1211 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh minh họa: Internet) |
Mục đích của Kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2019 – 2021 là nhằm sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm tổ chức hợp lý các đơn vị hành chính, đúng với tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ; phù hợp với thực tiễn, khả năng quản lý của chính quyền cơ sở.
Các yêu cầu lãnh đạo UBND Thành phố đặt ra cho công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là phải đảm bảo chặt chẽ, có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy đảng; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, không gây xáo trộn trong đời sống sinh hoạt của nhân dân; đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và hồ sơ theo quy định của pháp luật. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân.
Cùng với đó, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cũng cần gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã. Trong quá trình thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính phải đồng thời giải quyết chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức, người lao động có liên quan và có lộ trình bố trí, sắp xếp để bảo đảm đúng số lượng quy định.
Theo Kế hoạch, sẽ thực hiện sắp xếp đối với 8 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 4 phường, 4 xã) không đủ 50% cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết 1211 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Cụ thể, các phường, xã không đủ tiêu chí phải sắp xếp lại gồm có: các phường Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ thuộc quận Hai Bà Trưng; các xã Cẩm Đình, Phương Độ, Vân Hà thuộc huyện Phúc Thọ; và xã Thụy Phú thuộc huyện Phú Xuyên.
Những xã liên quan sẽ sáp nhập với các xã không đủ tiêu chí là Sen Chiểu, Xuân Phú, Vân Nam thuộc huyện Phúc Thọ; xã Văn Nhân thuộc huyện Phú Xuyên.
Về phương án sắp xếp, Kế hoạch nêu rõ, với quận Hai Bà Trưng, sẽ sáp nhập phường Nguyễn Du với phường Bùi Thị Xuân và một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Ngô Thì Nhậm (mặt phố Huế từ số nhà 52 đến số nhà 214); sáp nhập phần diện tích tự nhiên và dân số còn lại của phường Ngô Thì Nhậm (trừ mặt phố Huế từ số nhà 52 đến số nhà 214) với phường Phạm Đình Hổ.
Tại huyện Phúc Thọ, sẽ sáp nhập xã Phương Độ với xã Sen Chiểu; sáp nhập xã Cẩm Đình với xã Xuân Phú; và sáp nhập xã Vân Hà với xã Vân Nam. Xã Thụy Phú thuộc huyện Phú Xuyên sẽ được sáp nhập với xã Văn Nhân.
UBND Thành phố giao cho UBND các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Phúc Thọ, Phú Xuyên chỉ đạo và xây dựng Phương án, Đề án chi tiết sáp nhập, điều chỉnh, thành lập ĐVHC cấp xã (theo mẫu hướng dẫn của Sở Nội vụ). Trên cơ sở phương án của các xã, phường và Đề án của các quận, huyện, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp, tham mưu xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của UBND Thành phố Hà Nội.
UBND Thành phố cũng chỉ đạo UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các phường Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng); các xã: Cẩm Đình, Phương Độ, Vân Hà, Sen Chiểu, Xuân Phú, Vân Nam (huyện Phúc Thọ); các xã: Thụy Phú, Văn Nhân (huyện Phú Xuyên) lập và niêm yết danh sách cử tri để lấy ý kiến về Đề án sắp xếp phường, xã theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị định 54 ngày 16/4/2018 của Chính phủ. Danh sách cử tri được niêm yết trong thời gian 15 ngày trước ngày tổ chức lấy ý kiến cử tri.
Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến cử tri theo từng thôn, tổ dân phố (Mẫu phiếu lấy ý kiến do Sở Nội vụ hướng dẫn); tổng hợp biên bản họp, phiếu lấy ý kiến cử tri; lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn phường, xã. Thời gian phải hoàn thành việc tổ chức lập, niêm yết danh sách và lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị cấp xã chậm nhất là ngày 10/10/2019.
Cũng theo Kế hoạch, sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính, UBND Thành phố Hà Nội sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, có Kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời sắp xếp, kiện toàn, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các đơn vị hành chính cấp xã mới, đảm bảo đúng tiến độ tổ chức Đại hội Đảng các cấp, ổn định đời sống nhân dân.