Làng Trạch Xá (Ứng Hòa), cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km, người từ nơi khác đến đây sẽ thấy lạ lẫm khi phụ nữ chăm lo việc đồng áng còn đàn ông thì chuyên tâm với nghề may vá.
Với tuổi đời hàng nghìn năm, làng Trạch Xá nức tiếng gần xa với áo dài dưới đôi bàn tay khéo léo của đấng mày râu.
Nghề chỉ truyền cho con trai
90% thợ may áo dài trong làng Trạch Xá là đàn ông
Từ khi lập nghề, dân Trạch Xá có một quy định bất di bất dịch, đó là chỉ truyền nghề cho con trai.
Cụ Nguyễn Văn Nhiên (84 tuổi, 65 năm trong nghề) kể: Ngày xưa ăn Tết xong, người thợ may Trạch Xá với cái đẫy, chiếc kéo, chiếc vạch, cái thước là đi khắp tỉnh nọ, huyện kia, từ Đông sang Đoài, từ Nam chí Bắc cắt may thuê.
Cha đi với con, thầy đi với trò. Trong cuộc hành hương kiếm sống, phụ nữ không theo được vì đường xa, thân gái dặm trường.
Hơn nữa, con gái khi đi lấy chồng còn chăm lo cho gia đình, chồng con, không có thời gian mà lo nghĩ đến nghề. Nhưng ngày nay đã khác, làng Trạch Xá đã cởi mở hơn trong việc truyền nghề, ai có nhu cầu đều được học, nhưng cả làng vẫn có đến 90% thợ may là đàn ông.
Ông Đỗ Minh Thường đã có hơn 30 năm trong nghề may
Nghề may áo dài quan trọng mắt nhìn “mắt con trai, tai con gái, nghề may ở nơi khác thì tôi không biết nhưng riêng ở làng tôi may áo dài nam giới thiết kế cho nữ giới sẽ đẹp hơn nữ giới tự thiết kế”, ông Đỗ Minh Thường (thợ may trong làng) chia sẻ.
Ông bảo, để đào tạo một thợ may áo dài ở Trạch Xá cũng nhiều gian nan, vì may áo dài nhiều công đoạn phải khâu bằng tay. Vì vậy, con trai từ 6 tuổi đã phải làm quen với kim chỉ, 12 tuổi có thể khâu thành thạo. Quá trình đào tạo khoảng từ 3-4 năm. Để thành thợ giỏi thì phải học từ 5 - 10 năm....
Áo dài Trạch Xá ngày trước được may bằng tay thủ công bây giờ máy móc hỗ trợ một phần
Ông Thường kể ngày xưa, may áo dài thủ công hoàn toàn, thì 3-4 ngày mới xong một cái. Nay, với sự trợ giúp một phần của máy móc, một người có thể may được 3-4 chiếc áo/ngày....
Không cần đo, chỉ cần nhìn cũng may được cỡ chuẩn
Áo dài ở đây chủ yếu được làm thủ công. Đa số người ngoài chỉ biết khâu tay ngang thì người dân ở đây khâu tay dọc, bởi đây là kỹ thuật rất khó. Chính vì vậy, áo dài Trạch Xá luôn thướt tha, mềm mại.
Tuy nhiên, có đường tà đẹp vẫn chưa đủ, mà việc đo, cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi” cũng là một trong những bí quyết góp phần làm nên những chiếc áo dài đẹp, mềm mại, thướt tha mà sang trọng.
Những nghệ nhân lành nghề nơi đây có còn khả năng chỉ cần nhìn dáng người là ước chừng được số đo và kiểu dáng. Người dân trong làng vẫn truyền tụng về nghệ nhân Tạ Văn Khuất - người được vinh dự mời vào cung may áo dài cho Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. Dù phải đứng cách xa hoàng hậu đến mấy chục mét, với cách ước lượng chính xác, ông vẫn may được những bộ áo vừa vặn và đẹp mắt.
Người dân trong làng cho biết con mắt và tay nghề của người đàn ông sẽ tinh tế hơn khi may áo dài cho phụ nữ
Với kinh nghiệm làm nghề lâu năm, nhiều người Trạch Xá cũng đã chuyển ra trung tâm Hà Nội mở các cửa hàng may đo áo dài.
Phần lớn cửa hàng may áo dài trên các tuyến phố Lương Văn Can, Khâm Thiên, Cầu Gỗ, Phố Huế bây giờ đều do những thợ may Trạch Xá làm chủ.
Nhưng khi nói đến thực trạng làng nghề, ông Thường buồn rầu: “90% người làng Trạch Xá làm nghề may, nhưng nghề nông vẫn là chính, nghề này chỉ là phụ, bởi nghề này là 'bắc nước chờ gạo người', có thời vụ, nếu sinh sống 100% bằng nghề này thì không sống được”.
Phụ nữ Trạch Xá làm các công việc ruộng đồng, ít khi động đến may vá
Ai trong làng, trong xã cũng biết nghề, có những gia đình đã gắn bó với nghề may áo dài thì không chỉ một thế hệ mà cứ đời này truyền dạy cho đời khác.
Người Trạch Xá ai cũng mê say với từng đường kim, mũi chỉ, từng lát cắt trên những tấm vải đủ sắc màu làm đẹp cho người phụ nữ, làm đẹp cho đời.
Trần Thường