- Đà Nẵng đã giữ được "phong độ" và "đẳng cấp" khi tiếp tục bảo vệ thành công vị trí số 1 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014.

Sáng nay, 16/4, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và tổ chức USAID (Hoa Kỳ) đã công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam năm 2014 (PCI 2014).

Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí số 1 trong bảng xếp hạng với 66,87 điểm. Xếp sau Đà Nẵng là Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm).

Đáng chú ý, trong báo cáo năm nay, TP.HCM lần đầu tiên lọt vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất, sau 10 năm tham gia bảng xếp hạng này. Tỉnh Quảng Ninh cũng tiếp tục năm thứ 2 có tên trong TOP 5.

{keywords}
Trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng

Trong TOP về năng lực cạnh tranh, còn có các tỉnh Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh.

Trong khi đó, tỉnh Điện Biên bị xếp chót bảng xếp hạng này.

Chia sẻ về các kết quả trên, đại diện VCCI cho hay, Đà Nẵng giữ được phong độ nhờ đã thực hiện thành công Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014. Chính quyền thành phố đã có nhiều chương trình thiết thực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đồng Tháp và Lào Cai duy trì được thứ hạng cao trong TOP 5 cũng là nhờ có những sáng kiến cải cách độc đáo. Trong đó, Lào Cai còn xây dựng cả bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố để tiếp thu hiệu quả hơn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh trên địa bàn.

Cải thiện thứ hạng đáng kể còn là trường hợp của tỉnh Tuyên Quang. Năm 2013, tỉnh nghèo này đã đứng đội sổ bảng PCI, từ nhóm cuối nhưng một năm sau đã vươn lên, lọt vào nhóm cao hơn, tăng 13 bậc. Đó là nhờ Tuyên Quang tổ chức thường xuyên các chương trình đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền.

TOP chót bảng năm nay có Điện Biên với chỉ 50,32 điểm, đứng cuối cùng. Xếp trên là Lai Châu (50,6 điểm), Cao Bằng (52,04 điểm), Hà Giang (52,47 điểm), Bắc Kạn (53,02 điểm).

Thủ đô Hà Nội tuy đứng thứ 26 trong bảng xếp hạng nhưng lại là thành phố được coi là chậm thay đổi nhất trong điều hành.

Khảo sát PCI 2014 ghi nhận có 9.859 doanh nghiệp trả lời các phiếu điều tra, phỏng vấn. Trong số 1.491 doanh nghiệp FDI tham gia, có 16,3% cho biết đã tăng vốn đầu tư, trên 50% có ý định tăng quy mô hoạt động - tỷ lệ cao nhất từ năm 2010 và trên 65% đã tuyển dụng thêm lao động.

Đây là năm thứ 10, PCI được công bố. Từ một bộ chỉ số chỉ mang tính tham khảo, PCI đã trở thành chỉ số cải thiện năng lực cạnh tranh được thừa nhận chính thức, như một mục tiêu phấn đấu của 63 tỉnh thành và đã được đưa vào Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh. PCI ra đời đã tạo ra một cuộc đua tranh, thúc đẩy các địa phương thay đổi nhanh hơn, hành động nhiều hơn trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phạm Huyền