Với giá cả trên thị trường hiện nay dao động trong khoảng 100 nghìn/kg, trong một đêm hai người có thể bắt từ 40 đến 50 con chuột cống. Số tiền kiếm được trong một đêm đi săn chuột cống có thể lên đến hàng triệu đồng.
Kỹ nghệ săn chuột cống khủng
Nhiều năm trở lại đây thịt chuột đồng thành món khoái khẩu của nhiều người trên bàn nhậu, tuy nhiên do số lượng chuột đồng có hạn, nhiều khi không đủ đáp ứng nhu cầu của thượng khách. Nắm bắt được nhu cầu này nhiều người đã coi việc săn chuột cống là một nghề kiếm cơm và thu nhập từ việc săn chuột cống mỗi ngày cũng lên đến tiền triệu.
Khoảng 22h đêm trở đi là thời điểm thợ săn chuột cống bắt đầu hoạt động. Chúng tôi theo sau hai người đàn ông đi trên một chiếc xe máy, trên xe chằng chịt “bảo bối” dùng để săn chuột cống. Đằng sau xe là một cái lồng sắt to, hai tầng dùng để nhốt chuột khi bắt được. Hai cái vợt lưới dài như vợt vớt cá, hai chiếc gậy dài khoảng 1,5m đầu có sắt nhọn. Đặc biệt dễ nhận ra thợ săn chuột đó là trên trán họ đều đeo một chiếc đèn pin để soi sáng khi đi săn.
Chợ Lĩnh Nam, bãi săn chuột tiếp theo mà hai thợ săn này lựa chọn. Với bảo bối trong tay, họ bắt đầu mò mẫm trong chợ, những nơi bẩn thỉu nhất chợ, như cống rãnh, nơi ban ngày hàng cá hàng thịt ngồi là nơi nhiều chuột cống nhất.
Hàng đêm những người thợ săn chuột cống lần mò khắp thành phố để săn chuột. |
Để hiểu rõ về cách thức săn chuột cống, tôi quyết định theo chân một thợ săn lần mò vào bên trong chợ. Anh này đi dần đến một ki ốt, ánh mắt ngó nghiêng quan sát, ánh đèn sáng lia liên tục vào những ngóc ngách tối tăm ẩm thấp.
Khi phát hiện được trong ki ốt có chuột cống, chiếc đèn pin được chiếu thẳng vào con chuột, người thợ săn hai tay cầm gậy có đầu sắt nhọn đâm chuột. Tiếng kêu khịt khịt vang cả khu chợ. Sau đó anh ta dùng một tay lần theo chiếc gậy và tóm lấy đuôi con chuột, giật mạnh đồng thời quay vòng tròn làm cho con chuột bị đơ rồi mang về lồng sắt nhốt.
Tiếp cận lồng sắt hai tầng, một mùi hôi hám xộc lên tận óc. Qua ánh đèn đường có thể quan sát được bên trong lồng sắt hai tầng, lúc nhúc chuột đã bị bắt trên đường đến chợ Lĩnh Nam. Lông chúng dựng đứng, ướt át bẩn thỉu, con nào cũng to như bắp chân người lớn.
Trò chuyện với một thợ săn chuột cống, anh ngại ngùng không nói tên và cũng không tiết lộ thông tin gì nhiều: “Chúng tôi ở thị trấn Phùng huyện Đan Phượng, làm nghề bắt chuột từ lâu rồi, bắt về để bán thôi, đêm nào được nhiều thì đầy hai lồng sắt, tùy theo hôm nào gặp thì được nhiều...”
Sau khi săn được chuột, thợ săn nhốt vào lồng sắt buộc ở sau xe. |
Người thợ săn thứ hai cũng mang về ba con chuột cống to, nó nằm gọn trong túi lưới. Anh này kể cho đồng nghiệp đi cùng: “cái cống đó có 5 con mà tôi chỉ vợt được có ba con ông ạ, tiếc quá..” Chỉ trong vòng khoảng 10 phút hai người thợ săn đã bắt được 4 con chuột cống.
Hành trình đi săn được tiếp tục khi một người nhìn thấy có chuột trên bụi cây ven đường. Ngay lập tức họ áp sát, dùng đèn pin soi, rồi thi nhau đâm gậy sắt nhọn về phía con chuột nhưng lần này thất bại, con chuột đã nhanh chân leo lên nóc nhà của một ki ốt bên cạnh.
Lượn một vòng chợ Lĩnh Nam không phát hiện thêm con mồi, người thợ săn lý giải điều này là do chúng sợ khi nghe những tiếng kêu khịt khịt của đồng loại khi bị bắt lúc nãy, chứ không phải hết, chuột ở đây bắt cả đêm cũng không hết, cơ bản là động.Leo lên xe họ đi về phía đường Minh Khai, nơi có con mương hôi thối bẩn thỉu đang trong quá trình xây dựng. Lần này hai thợ săn sát cánh bên nhau chứ không chia ra như lúc nãy ở chợ Lĩnh Nam. Họ đi dọc theo con mương, qua ánh đèn trên trán có thể quan sát được những con chuột lang thang ăn đêm. Thấy có chuột trong một cống thoát nước nhỏ, ngay lập tức “thiên la địa võng” được giăng ra. Người chốt một đầu, dùng túi lưới úp vào miệng cống chờ sẵn. Còn người kia nhanh chóng đi vòng lại đằng sau dùng gậy đuổi. Ngay lập tức cả đàn chuột cống chạy toán loạn về phía đầu này và 5 con đã chui tọt vào lưới.
Những con chuột cống mà thợ săn được đều có trọng lượng trung bình từ 5 đến 7 lạng. |
Hả hê vì bắt được mẻ lớn, 5 con chuột này cũng phải được cỡ 4kg, họ nhốt chuột vào lồng sắt rồi ngồi châm thuốc hút, lúc này thời gian đã bước sang ngày mới. Tính trong khoảng thời gian hơn 1h đồng hồ họ đã tóm được cả chục con chuột cống. Trong khi đó thời gian đi săn còn kéo dài đến 4h sáng.
Chuột cống đội lốt chuột đồng lên bàn nhậu
Tiết lộ của những người săn chuột thì địa điểm mà họ thấy bắt được nhiều chuột nhất là những nơi bẩn thỉu, ẩm ướt, nhiều thức ăn như chợ, bãi rác thải, thậm chí họ còn vào cả bệnh viện để bắt chuột. Số lượng người hàng ngày đi săn chuột cũng không phải là ít, chủ yếu ở một số nơi có nghề săn chuột đồng từ xưa đến nay như Thạch Thất, Đan Phượng (Hà Nội), Bắc Ninh, Hưng Yên...
Theo tìm hiểu, chuột cống sau khi bắt được trong những lần đi săn, họ mang về nhà rồi mổ thịt bán cho các nhà hàng, hoặc trộn lẫn với chuột đồng rồi bán ngoài chợ. Trong thực tế việc phân biệt chuột cống và chuột đồng không hề dễ khi đã được mổ sạch và thui rơm vàng ươm. Có điều là chuột cống luôn có trọng lượng từ 5 đến 7 lạng/con. Trong khi chuột đồng thì chỉ nhỏ như cổ tay, khi chưa làm thịt lông chuột đồng có mầu tro.
Với giá cả trên thị trường hiện nay dao động trong khoảng100 nghìn/kg. Một đêm hai người có thể bắt từ 40 đến 50 con chuột, trọng lượng khoảng 30 đến 40kg chuột cống. Số tiền kiếm được trong một đêm đi săn chuột cống lên đến hàng triệu đồng.
ảnh minh hoạ |
Theo tiết lộ của hai thợ săn chuột cống, chúng tôi tìm về một làng chuyên có nghề săn bắt chuột ở Bắc Ninh. Từ đầu làng đã thấy mùi tanh tanh, lợm lợm do người dân thịt chuột để lại.
Hỏi thăm vào một gia đình chuyên làm nghề thịt chuột để cung cấp cho nhà hàng cũng như bán ở chợ, chủ nhà khoe gia đình anh thường nhập chuột từ những tay thợ săn với giá từ 80 đến 100 nghìn một kg. Khi được hỏi chuột săn ở đâu mà to và nhiều như vậy? Anh này cho biết những thợ săn ở làng thường xuyên về Hà Nội bẫy chuột. Tận mắt nhìn những con chuột to, hôi hám được nhốt trong lồng sắt cũng có thể nhận biết được nó xuất xứ ở đâu...
Trong vai người mua chuột để mang về Hà Nội, tôi được chủ nhà giới thiệu gia đình anh chuyên bán chuột đồng ngô, chuột đồng ăn thóc, chuột có thể làm được cả chục món nhậu. Nhưng khi tôi hỏi sao chuột trong lồng là chuột cống đâu phải chuột đồng, chủ nhà lưỡng lự rồi biện minh: Chuột cống cũng ngon như chuột đồng thôi, nó lại to hơn, chúng tôi làm nghề bao lâu nay cũng ăn cả thịt chuột cống nhưng không thấy bệnh tật gì!
Những chú chuột cống, sau khi được làm thịt để "hô biến" thành chuột đồng với những món xào, nướng mà thực khách không thể kiểm chứng.
Thật kinh hoàng nếu như thịt chuột cống được tuồn lên bàn nhậu với mác chuột đồng. Những thượng khách vẫn chép miệng khen ngon không biết sẽ nghĩ như thế nào khi phát hiện ra mình vừa ăn chuột cống. Chuột cống phát triển khủng khiếp, nhất là tại các thành phố lớn, nơi có nhiều thức ăn bẩn thỉu. Không chỉ gây hại về vật chất, đáng sợ nhất là chuột làm mất vệ sinh, mang mầm bệnh gây hại lên sức khỏe con người như bệnh dịch hạch, uốn ván và các mầm bệnh khác...
(Theo Dân trí)