Phát biểu tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ ngành TT&TT năm 2017 với chủ đề “ICTnews trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam” do Bộ TT&TT tổ chức hôm 18/5/2017, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay Hà Nội đã và đang triển khai nhiều nội dung để xây dựng thành phố Hà Nội thông minh. Hà Nội đang quyết liệt ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, môi trường. Tuy nhiên, ông Quý cũng thừa nhận một số khó khăn như chưa có định hướng chung về xây dựng đô thị thông minh quốc gia, chưa có cơ sở pháp lý khung, thiếu tiêu chí về kết nối, liên thông.

Ông Ngô Văn Quý đưa ra kiến nghị Bộ TT&TT cần có Đề án phát triển đô thị thông minh quốc gia, trong đề án nêu các vấn đề chung, mục tiêu, nhiệm vụ và các đề án, dự án thành phần phải thực hiện.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần phải cố gắng đi trước một bước trong việc đưa ra những ứng dụng CNTT theo ngành dọc để các địa phương thực hiện. Ông Quý nêu ra một số rào cản đó là đã xảy ra tình trạng có phần mềm quản lý theo ngành dọc các địa phương đã làm ứng dụng rất tốt nhưng sau đó Bộ lại đưa ứng dụng quản lý theo ngành dọc vào làm phá vỡ hết, không thể kết nối được với phần mềm các địa phương đã triển khai nữa, nên địa phương phải làm lại từ đầu.

“Ví dụ như phần mềm quản lý kinh doanh, Hà Nội và TP.HCM đã làm riêng và ứng dụng tốt, nhưng khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quy định chung đã “phá vỡ” hết, làm chúng tôi phải làm lại từ đầu. Hiện giờ y tế điện tử Hà Nội cũng đã làm trước, nếu sau này Bộ Y tế lại ra quy định mới chắc sẽ lại vỡ hết. Các Bộ, ngành cần đi trước các địa phương trong triển khai ứng dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu theo ngành dọc, nhưng thực tế thì Bộ, ngành lại không đi trước được. Gây khó khăn cho các địa phương”, ông Quý phát biểu.

Nguồn nhân lực để triển khai đô thị thông minh thực sự là vấn đề mà nhà nước cần quan tâm đào tạo. Hiện tại nhà nước thì muốn triển khai nhanh đô thị thông minh, nhưng đa số người dân chưa biết ứng dụng, chưa biết dùng những tiện ích của đô thị thông minh. Nhiều người dân cũng chưa hiểu đô thị thông minh là gì, do đó cần phải đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền. Đồng thời nhà nước phải nhanh chóng mở các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn để tăng cường, bổ sung nguồn nhân lực CNTT.

Quá trình triển khai xây dựng thành phố Hà Nội thông minh bước đầu đã có kết quả. Các hạ tầng cơ bản của chính quyền điện tử: Mạng diện rộng, các ứng dụng dùng chung đã kết nối với 100% các sở, ban, ngành tới cấp quận, huyện, xã phường. Nhiều hệ thống thông tin quan trọng như cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức đã được thiết lập. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp hơn 400 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức.

Hà Nội cũng triển khai ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực tài chính, quản lý đô thị, giao thông, giáo dục, y tế, tư pháp, bảo hiểm, thuế, hải quan.

Lĩnh vực giáo dục, Hà Nội đã triển khai nhiều ứng dụng giáo dục thông minh như ứng dụng tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử. Hệ thống giao thông thông minh cũng đã kết nối hơn 400 camera trên các tuyến giao thông và 179 nút đèn tín hiệu giao thông. Hà Nội thí điểm ứng dụng quản lý bãi đỗ xe thông minh iParking tại 17 điểm trên hai tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt. Ứng dụng CNTT trong quản lý đăng kiểm, quản lý bãi đỗ xe, thu phí ô tô.

Trong y tế thông minh, Hà Nội đang thí điểm triển khai nhiều ứng dụng và các thành phần trong y tế thông minh như: Hệ thống sổ theo dõi sức khỏe cho người dân đến trạm y tế tại 584 xã, phường, thị trấn. Ứng dụng đăng ký và quản lý tầm soát ung thu sớm cho người trên 40 tuổi, phần mềm quản lý bệnh viện, kết nối các bệnh viện trên địa bàn, liên thông khám chữa bệnh với hệ thống bảo hiểm y tế.

Hà Nội định hướng đến năm 2020 sẽ hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh như: nền tảng cơ sở hạ tầng bao gồm mạng viễn thông băng rộng, các hệ thống cảm biến, camera giám sát, hạ tầng an ninh, an toàn thông tin, trung tâm dữ liệu. Các cơ sở dữ liệu cốt lõi như quản lý dân cư, đất đai, doanh nghiệp, hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử Hà Nội. Xây dựng hệ thống thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu như: Giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, an toàn xã hội và môi trường.