Câu chuyện hy hữu này diễn ra ngay giữa thủ đô Hà Nội: Cách đây gần 42 năm, một người phụ nữ đã bị thất lạc đứa con ruột thịt của mình tại nhà hộ sinh và cũng trong suốt ngần ấy năm, bà đã hết lòng yêu thương đứa con “nuôi nhầm”…

Con không giống cha: Cuộc gặp định mệnh và ADN giải oan

Sự nhầm lẫn định mệnh

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (64 tuổi, Quán Thánh, Hà Nội) xác nhận câu chuyện nhầm con tại bệnh viện là hoàn toàn có thật và xảy ra ngay trong chính gia đình của mình. Theo đó, vào ngày 10/10/1974, bà Hạnh sinh một người con gái tại nhà hộ sinh Ba Đình, nay là nhà hộ sinh số 12 Lê Trực còn khi đó có địa chỉ ở phố Phan Huy Ích (Ba Đình, Hà Nội).

Khi đó, bà Hạnh được đánh số thứ tự là 33 nhưng trong lần đầu tiên cho con bú, bà phát hiện số thứ tự đeo ở chân đứa trẻ lại là 32. Thắc mắc hỏi bác sỹ thì bà chỉ nhận được câu trả lời: “Đi tắm nên bị mờ nhưng đây chắc chắn là con của chị”.

Bằng linh cảm của người mẹ, bà Hạnh tin rằng đã xảy ra sự nhầm lẫn con giữa hai gia đình và cùng chồng tìm kiếm khắp bệnh viện. Thời điểm đó, tại nhà hộ sinh Ba Đình chỉ có khoảng 10 đứa trẻ nhưng không có ai đánh số 33: “Có thể, gia đình đó đã nhận con ra về nhưng cũng không loại trừ khả năng, bác sỹ trong lúc sơ ý đã đánh nhầm số thứ tự dẫn đến 2 đứa trẻ cùng mang số 32 gây ra việc nhầm lẫn hy hữu này...”, bà Hạnh phán đoán.

{keywords}

Chị Tạ Thị Thu Trang (phải) cùng chị Tạ Thị Thu Vân

Sau đó, dù linh cảm không phải con mình, nhưng bà Hạnh cùng chồng vẫn hết lòng chăm sóc, yêu thương và đặt tên con là Tạ Thị Thu Trang. Năm 1998, nỗi day dứt về việc để thất lạc con đẻ khiến bà Hạnh quyết định âm thầm thực hiện xét nghiệm ADN. Kết quả, mẫu thử không trùng khớp với cả bố và mẹ. Dù đau khổ nhưng bí mật về sự nhầm lẫn này vẫn được bà Hạnh giấu kín cho riêng mình. Trong suốt mấy chục năm qua, bà Hạnh đã nhiều lần quay trở lại nhà hộ sinh để dò hỏi thông tin nhưng rất tiếc việc lưu trữ hồ sơ không còn nên mọi manh mối để tìm lại người con thất lạc gần như vô vọng.

Tháng 10/2015, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà Hạnh đã quyết định nói ra sự thật với hi vọng con gái có thể tìm được gốc gác ruột thịt của mình và cũng để bản thân được thanh thản. Trao đổi với PV khi đang ở nước ngoài, bà Hạnh nghẹn ngào, đôi khi khóc nấc trong điện thoại. Bà Hạnh chia sẻ, những năm qua chưa đêm nào bà ngủ được một giấc trọn vẹn: “Tôi day dứt và cảm thấy mình có lỗi với hai gia đình. Tôi có lỗi với nhà chồng khi để thất lạc giọt máu của dòng tộc, có lỗi với gia đình Trang khi để họ phải chịu cảnh lưu lạc con mà có thể đến giờ họ còn chưa biết được sự thật”. Theo bà Hạnh, sở dĩ bà chọn cách giấu kín là bởi nỗi khổ tâm sợ mất người con gái mà suốt 42 năm qua, bà yêu thương và chăm sóc còn hơn cả con đẻ.

Nghe tiếng mẹ kể trong điện thoại, chị Trang cũng nức nở, đưa khăn lau những giọt nước mắt đua nhau lăn dài trên gò má. Cho đến tận bây giờ, bản thân chị vẫn cảm thấy sốc và không thể tin đây lại là sự thật: “Trái tim tôi vỡ vụn khi mẹ nói tôi không phải con đẻ của mẹ. Hai mẹ con cứ ôm nhau mà khóc. Tôi vừa giận, vừa thương mẹ. Giận vì tại sao đến thời điểm này mẹ mới thông báo, thương vì trong suốt thời gian qua tình yêu mà mẹ dành cho tôi quá lớn lao và vĩ đại”, chị Trang nghẹn ngào.

{keywords}

Văn bản trả lời của Trung tâm Y tế quận Ba Đình

Chị Trang cho hay, bản thân chị Trang chưa bao giờ nghĩ mình là con nuôi của gia đình. So với các anh chị em khác, chị luôn được bố mẹ chiều chuộng và dành sự quan tâm nhiều hơn. Hồi bé, trong nhà có món ăn ngon, đồ dùng mới chị Trang bao giờ cũng được ưu tiên dùng đầu tiên. Sau này lớn lên, dù đã lập gia đình và có cuộc sống riêng nhưng bà Hạnh vẫn luôn dành sự quan tâm, vun vén nhiều hơn cho chị: “Lần nào ốm, mẹ cũng chỉ muốn được ở bên tôi. Ngay cả quán ăn sáng vợ chồng tôi đang làm cũng là do mẹ cho mượn địa điểm. Ngày nào cũng thế, mỗi lúc rảnh rỗi mẹ đều qua, dọn dẹp quán, bán hàng hộ hai vợ chồng….”.

{keywords}

Trong ảnh, hàng trên là chị Tạ Thị Thu Trang (thứ hai, từ trái sang) cùng các anh chị em.

Tuy luôn nhận được sự yêu thương, bao bọc của gia đình nhưng chị Trang vẫn luôn thắc mắc bởi bản thân không có nét nào giống anh chị em trong gia đình. Chị Trang có dáng cao, khung xương to trong khi các anh chị lại nhỏ nhắn và thấp người. Có lần đi học, bị bạn trêu ghẹo là “đứa con nhận nhầm ở bệnh viện”, chị Trang òa khóc chạy về hỏi mẹ thì liền bị mắng và khẳng định, đó chỉ là lời nói đùa: “Mẹ bảo, tôi không giống bố, mẹ nhưng giống các dì bên ngoại, mà thực tế tôi cũng có nét giống dì út về ngoại hình nên cũng cảm thấy yên tâm…”.

Khi biết mình bị trao nhầm tại bệnh viện và không phải là con đẻ của bà Hạnh, chị Trang suy sụp hoàn toàn. Điều chị sợ nhất là đánh mất các anh chị em trong gia đình và sợ mất cả người mẹ mà mình luôn yêu thương, kính trọng. Chị nghẹn ngào: “Mỗi tối nhắm mắt lại, tôi cũng luôn thắc mắc không biết bố mẹ mình là ai, hình dáng thế nào. Nỗi khao khát tìm lại cội nguồn khiến tôi day dứt không yên”.

Bế tắc trong tìm kiếm

Thấy em khóc, chị Tạ Thị Thu Vân (SN 1971), con gái cả của bà Hạnh khẽ vỗ về động viên em. Kể về câu chuyện hy hữu xảy ra trong gia đình mình, chị Vân xúc động cho biết, bản thân mình và các thành viên khác đều không hề hay biết sự thật cho đến khi được bà Hạnh thông báo vào năm ngoái: “Dù thế nào, chúng tôi vẫn luôn coi Trang là đứa em ruột thịt và tình cảm này không hề thay đổi. Trong chuyện này, chẳng ai có lỗi cả, đó là mối lương duyên trời định”.

Chị Vân cho hay, bản thân mẹ chị - bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cũng luôn đau đáu và khổ tâm rất nhiều trong suốt những năm vừa qua. Ngay cả bố chị Vân, dù biết sự thật nhưng cũng kiên quyết không cho mẹ chị làm xét nghiệm ADN. Trước lúc qua đời, ông còn dặn dò mẹ chị chôn giấu sự thật trong lòng: “Có lẽ bố sợ nói ra sẽ làm em tôi tổn thương. Trong gia đình, ông thương Trang nhất nhà…”, chị Vân nghẹn ngào.

{keywords}

Giấy khai sinh của chị Tạ Thị Thu Trang

Liên quan tới vụ trao nhầm con tại nhà hộ sinh quận Ba Đình, ông Nguyễn Việt Cường, Trung tâm Y tế quận Ba Đình cho biết đã tiếp nhận đơn thư của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) phản ánh về việc trao nhầm con vào năm 1974 và mong muốn tìm lại người con thất lạc của mình.

Trung tâm cũng đã có biên bản gửi Sở Y tế Hà Nội và trả lời cho gia đình bà Mai Thị Hạnh: “Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã chỉ đạo Nhà hộ sinh, phòng Kế hoạch - nghiệp vụ và các khoa phòng chức năng của Trung tâm lục tìm lại toàn bộ hồ sơ lưu tại đơn vị, tìm và trao đổi với những cán bộ lâu năm công tác tại nhà hộ sinh giai đoạn 1974-1975. Tuy nhiên, do nhà hộ sinh đã chuyển sang địa điểm mới, và thời gian quá lâu nên không thể tìm lại bất cứ thông tin nào liên quan đến trường hợp đó”.

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Phạm Hữu Tiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ba Đình cho hay, chính vì thời gian qua lâu, trung tâm lại chuyển địa điểm nên đến nay vẫn chưa thể tìm được manh mối nào liên quan đến sự việc này.

(Theo Dân trí)