Bài viết của đồng chí Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhân dịp khai trương Phố Sách Hà Nội ngày 1/5.

{keywords}

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung dự khai mạc Phố sách Xuân Hà Nội. Ảnh: Zing 

"Thăng Long  - Hà Nội, nơi tinh hoa dân tộc hội tụ và tỏa sáng, mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến luôn tự hào với truyền thống hiếu học, quý trọng người tài, coi trọng tri thức. Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của đất nước được ra đời gần 1000 năm trước ngay giữa kinh đô Thăng Long, trải bao thăng trầm của lịch sử vẫn luôn là biểu tượng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam, coi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Người Hà Nội có truyền thống ham đọc sách và coi trọng sách từ bao đời nay.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, sự đa dạng của các phương tiện truyền thông, sách vẫn khẳng định được vị trí quan trọng, luôn là nguồn tri thức, là phương tiện và là một công cụ để sáng tạo và nhận thức thế giới. Đọc sách cũng là một trong những phương pháp giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy.

Nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của sách và việc đọc sách đối với sự phát triển của đời sống xã hội, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Đây là sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với công tác xuất bản, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, giá trị to lớn, tầm quan trọng của sách nhằm góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người Việt Nam.

Năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014), Hà Nội lần đầu tiên tổ chức Hội Sách tại Hoàng thành Thăng Long - Di sản Văn hóa thế giới. Hội Sách Hà Nội đã thực sự là một hoạt động ý nghĩa, không chỉ nhằm tôn vinh văn hoá đọc, xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống văn hóa xã hội của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà còn là dịp để ôn lại truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Chính thành công của Hội Sách Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức và sự quan tâm đến sách, say mê đọc sách của của bạn đọc Thủ đô đã là động lực để Thành phố quyết định tổ chức Hội Sách Hà Nội định kỳ hằng năm, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Với sự quan tâm, đầu tư của chính quyền Thành phố, sự tham gia nhiệt tình của các đơn vị xuất bản, phát hành và sự ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân Thủ đô với văn hóa đọc, Hội Sách Hà Nội qua các năm đã thực sự trở thành không gian văn hóa và ý nghĩa phục vụ nhân dân, một sân chơi bổ ích cho giới xuất bản Thủ đô. Không gian Hội Sách được trang trí đẹp, gắn với chủ đề của mỗi kỳ Hội Sách như: “Thành phố vì hòa bình” (năm 2014), “Sách và Di Sản”(năm 2015), “Sách và Hội nhập” (năm 2016). Tại mỗi Hội Sách, bạn đọc có cơ hội tham gia hàng chục cuộc giao lưu, tọa đàm, giới thiệu tác giả, tác phẩm; được tiếp cận với nhiều gian chuyên đề trưng bày sách theo các chủ đề khác nhau, gần 200 gian hàng với số bản sách phát hành và doanh thu tăng lên qua mỗi kỳ Hội Sách... đã thu hút hàng vạn lượt bạn đọc Thủ đô ở nhiều lứa tuổi.

Mỗi Hội Sách là một chủ đề, mỗi Hội Sách lại thêm những kinh nghiệm tổ chức để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, sự kỳ vọng của những người viết sách và làm sách. Công tác tổ chức ngày càng bài bản và đi vào chiều sâu, tạo không gian văn hóa mang đậm dấu ấn riêng. Hội Sách Hà Nội lần thứ 3 năm 2016 với chủ đề “Sách và Hội nhập” lần đầu tiên có sự tham gia của Hiệp hội xuất bản các nước Asean và nhiều nhà xuất bản quốc tế và cũng đã bước đầu có các cuộc gặp gỡ trao đổi về giao dịch bản quyền giữa các nhà xuất bản, công ty sách trong nước và các nhà xuất bản nước ngoài. 

Dự kiến Hội Sách Hà Nội lần thứ 4 năm 2017 sẽ có chủ đề “Sách và Khởi nghiệp”. Trong tương lai gần, Hà Nội sẽ tổ chức các Hội Sách quốc tế, bạn đọc và các đơn vị xuất bản Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung sẽ có cơ hội được giao lưu, quảng bá và hợp tác với các thương hiệu, các tập đoàn xuất bản lớn có công nghệ tiên tiến. Hội Sách quốc tế Hà Nội trong tương lai gần sẽ là nơi tốt nhất để quảng bá văn hóa Việt Nam đến các nước và là cầu nối chọn lọc, đưa tinh hoa văn hóa các nước vào Việt Nam.

Ngoài ra, UBND Thành phố còn giao trách nhiệm cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc  đều khắp trong cả năm. Từ năm 2016, Hà Nội đã có thêm Phố Sách Xuân trong dịp Tết Nguyên đán. Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc lại được khẳng định qua hoạt động tìm kiếm tri thức, mua - tặng sách, tặng chữ trong những ngày đầu xuân. 

Phố Sách Xuân Bính Thân 2016 và Phố Sách Xuân Đinh Dậu 2017 đã trở thành không gian văn hóa đọc mang đậm không khí Tết đặc trưng của Hà Nội trong sắc thắm hoa đào, thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và nhân dân Thủ đô, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất bản - phát hành của Thành phố ngay từ những ngày đầu năm mới.

Hội Sách Thiếu nhi 01/6/2016 với chủ đề “Hè vui - Sách hay” lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm hẹn văn hóa của thiếu niên, nhi đồng Thủ đô trong dịp Quốc tế Thiếu nhi, hướng tới xây dựng xã hội học tập qua việc phát triển phong trào đọc sách và tôn vinh văn hóa đọc của thế hệ trẻ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Thông qua các trò chơi trí tuệ, các chương trình “học mà chơi, chơi mà học”... các em thiếu nhi Thủ đô đã có thêm sân chơi bổ ích gắn với sách và giúp việc học tập tại trường lớp thêm thú vị, hấp dẫn.

Cũng từ tháng 9/2016, khi tuyến phố đi bộ khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm được hình thành, 10 quầy sách lưu động đã được tổ chức tại phố Lê Thạch. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức xung quanh Hồ Gươm ngày cuối tuần, hình ảnh các quầy sách lưu động đã dần trở nên quen thuộc, góp phần không nhỏ nâng cao văn hóa đọc đồng thời tạo nét độc đáo, để lại dấu ấn tốt đẹp đối với du khách khi đến với Hà Nội.

Ý thức về vai trò, ý nghĩa của sách và văn hóa đọc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, việc tham gia các Hội chợ sách quốc tế đã được lãnh đạo Thành phố đặc biệt quan tâm, để hướng tới mục tiêu tổ chức Hội Sách Quốc tế tại Hà Nội. Tháng 10/2016, Thành phố Hà Nội đã tổ chức gian trưng bày sách tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Tuy lần đầu tham dự và thời gian chuẩn bị rất gấp rút nhưng gian hàng sách Hà Nội - Việt Nam đã được Ban Tổ chức Hội sách quốc tế Frankfrut và Hiệp hội xuất bản các nước Asean đánh giá cao, góp phần tuyên truyền hình ảnh về Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. 

Mục tiêu của Hà Nội là sẽ tham gia rộng hơn và sẽ đồng hành cùng các đơn vị xuất bản tham gia sâu hơn trong việc giao lưu, mua bán bản quyền tại các Hội chợ sách quốc tế. Ngoài việc mang về cho bạn đọc trong nước những tác phẩm, những đầu sách có giá trị, còn là việc định hướng giới thiệu các tác phẩm của tác giả, nhà xuất bản trong nước, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Đặc biệt, đúng vào ngày 01/5/2017, Thành phố tổ chức Lễ khai trương Phố Sách Hà Nội hoạt động cố định tại Phố 19 tháng 12 (quận Hoàn Kiếm). “Hà Nội 36 phố phường” của chúng ta sẽ có thêm một tuyến phố dành riêng cho sách. Đây là công trình mang ý nghĩa đặc trưng của Thủ đô, là sự việc kết hợp giá trị lịch sử của khu vực Phố 19 tháng 12 với một không gian văn hóa - tri thức giữa lòng Thành phố để giới thiệu những cuốn sách, những bộ sách mới, nơi tác giả và độc giả gặp gỡ giao lưu, tọa đàm về sách... 

Việc tổ chức Phố Sách Hà Nội đã đáp ứng mong mỏi của đông đảo nhân dân Thủ đô, những người viết sách và những người làm công tác xuất bản, để Ngày Sách Việt Nam 21/4 thực sự có ý nghĩa trong đời sống xã hội.

Có thể khẳng định, các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc của Hà Nội thời gian vừa qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Phố Sách Xuân, Hội Sách Thiếu nhi, Hội Sách Hà Nội và Phố Sách Hà Nội là những sự kiện, địa chỉ văn hóa đã, đang và sẽ trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô.

Tuy nhiên, để ngành xuất bản thực sự trở thành ngành công nghiệp văn hóa, không những đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, luôn cần sự đồng lòng, chung tay của cả xã hội, trách nhiệm của cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, đến những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành xuất bản phẩm. Đặc biệt, việc xây dựng văn hóa đọc cần xuất phát ngay từ trong mỗi gia đình và từng trường học.

Công nghiệp văn hóa là công nghiệp sáng tạo, vì vậy đồng thời với việc thúc đẩy sự phát triển ngành xuất bản, các hội chợ sách quốc tế của Hà Nội trong thời gian tới sẽ không chỉ giới thiệu sách mà còn giới thiệu những công nghệ tạo nên các sản phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa, xây dựng thị trường trao đổi, mua bán bản quyền các tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa... Từ việc xuất bản sách theo đúng tiêu chuẩn thế giới sẽ tạo ra các ngành dịch vụ và công nghệ mới về giấy, in ấn, thiết bị phục vụ sáng tác âm nhạc, hội họa, truyền thông...

Để cụ thể hóa mục tiêu, ngoài việc phát huy tốt hơn nữa các hoạt động về sách, Hà Nội sẽ nghiên cứu, triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động phát triển văn hóa đọc. 

Theo đó, Thành phố sẽ hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành xuất bản Thành phố; xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc cho người dân (qua các hoạt động giao lưu, giới thiệu sách, các cuộc thi tìm hiểu về sách, triển lãm, hội sách...); xây dựng hệ thống phát hành xuất bản phẩm phân bổ đều khắp và hiện đại; đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện, trong đó có thư viện điện tử; nâng cao chất lượng xuất bản phẩm (cả nội dung - hình thức, bao gồm cả xuất bản phẩm điện tử); thông qua các Hội sách, triển lãm sách trong nước và quốc tế nhằm tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của văn hóa đọc và công tác triển khai các hoạt động thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc của Thành phố. 

Đồng thời, cần thiết lập, tăng cường hợp tác với các hiệp hội xuất bản các nước, đặc biệt các hiệp hội, tổ chức hội chợ sách có uy tín và quy mô lan tỏa lớn để Thủ đô Hà Nội của chúng ta xứng đáng là “Trái tim của cả nước” và sớm trở thành Thủ đô Sách của cả nước và khu vực trong một tương lai không xa".

Nguyễn Đức Chung