Từ đầu năm đến nay, cả nước ta xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm tại nhiều tỉnh thành.
Bộ Nông nghiệp Phát triển và Nông thôn cùng ngành chức năng tại các tỉnh thành thường xuyên khuyến cáo, tuyên truyền người chăn nuôi trên địa bàn phòng chống dịch cúm gia cầm và thực hiện nghiêm Công điện Số: 163/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người.
Cần siết chặt hơn nữa công tác kiểm dịch giết mổ. Ảnh Thu Hà |
Đặc biệt, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm. Bởi, nếu không kiểu soát tốt, các cơ sở giết mổ, chế biến cũng có thể làm lây lan dịch bệnh.
Tại Hà Nội, bên cạnh những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh, cơ quan thú y cần siết chặt hơn nữa công tác kiểm dịch giết mổ.
Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở nhiều địa phương, nhằm kiểm soát sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các lò giết mổ cung cấp ra thị trường, các ngành chức năng đã, đang tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa dịch bệnh cúm gia cầm. Trong đó tập trung vào các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ở khu dân cư.
Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông, ban quản lý các chợ đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp giết mổ gia cầm an toàn, giúp người dân có thêm kiến thức về an toàn dịch bệnh khi tiếp xúc với gia cầm sống.
Theo thống kế, thành phố Hà Nội có 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực với hơn 5.350 trang trại. Nhiều trang trại đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như hệ thống chống nóng đối với chăn nuôi bò sữa, hệ thống chuồng kín với chăn nuôi lợn, gà…
Đến nay, thành phố có tổng đàn gia súc, gia cầm với 38 triệu con gia cầm, 1,57 triệu con lợn, 164 nghìn con trâu, bò.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thông tin, trên địa bàn thành phố có 738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có bảy cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, còn lại hơn 670 cơ sở giết mổ thủ công.
Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp chưa hết công suất. Còn hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công nằm ở khắp các chợ, khu dân cư, không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Thành phố đã phê duyệt Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn, với tám cơ sở giết mổ công nghiệp, tám cơ sở giết mổ tập trung, 13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ, từng bước đưa các cơ sở giết mổ vào tập trung, giảm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, tỷ lệ chăn nuôi trong khu dân cư giảm còn dưới 40%.
Cùng với đó là hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm, các trang trại chăn nuôi xa khu dân cư, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường tập trung ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên…
Phấn đấu có gần 80% sản phẩm gia súc, gia cầm của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công trên địa bàn được kiểm soát và bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Thu Hà