Giá đất tăng cao… nhưng cần tỉnh táo
Trong khi bất động sản nội đô Hà Nội chồng chéo, nhiều dự án sai phạm chưa được xử lý dứt điểm, thị trường nhà đất các huyện ngoại thành cũng đang nhiễu loạn. Ngoài thông tin động thổ nhiều dự án bất động sản lớn, giá đất tại 4 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì đang biến động không ngừng, sau khi có thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù để đưa các huyện này lên quận.
Giá đất nhiều huyện ven đô liên tục tăng sau các thông tin huyện này lên quận. |
Theo khảo sát, tại huyện Đông Anh, giá đất nền được rao bán 100-120 triệu đồng/m2. Ở khu vực Tiên Dương, giá đất thổ cư tại mặt đường lớn dao động 30-35 triệu đồng/m2. Tại nhiều con ngõ rộng tầm 3m dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, đoạn thuộc xã Vĩnh Ngọc, lên đến 60 triệu đồng/m2; một số ngõ nhỏ hơn có giá 30- 40 triệu đồng/m2. Các khu vực xa hơn như Bắc Hồng, giá đất cũng lên đến 10-12 triệu đồng/m2, cao gấp 4 lần so với thời điểm sốt đất tại Đông Anh năm 2008.
Tại huyện Thanh Trì, đất phân lô ở Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp được môi giới thổi lên gấp 2-3 lần so với trước đây, dao động 55-65 triệu đồng/m2. Tại huyện Gia Lâm, đất trên đường An Đào A, Đào Nguyên A, giá chào bán môi giới đưa ra 38-45 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền Kiêu Kỵ, đường rộng 2 ôtô tránh nhau, giá chào bán 25-35 triệu đồng/m2 so với giá đầu năm 20-23 triệu đồng/m2…
Điều đáng nói, nhiều diện tích đất nền được rao bán là đất nông nghiệp. Giới đầu cơ bất động sản đã thu gom và mua lại từ người dân khi có thông tin các huyện trên sẽ quy hoạch lên quận, sau đó phân lô, nền để bán lại cho những ai có nhu cầu.
Một nhân viên môi giới bất động tại huyện Hoài Đức cho hay, từ đầu năm đến nay thị trường đất nền ở đây luôn sôi động. Nhu cầu của khách hàng tìm mua chủ yếu là đất nền diện tích lớn 5-10ha, với mục đích ban đầu để làm nhà xưởng. “Nhưng đó chỉ là vỏ bọc, sau khi các huyện lên quận, chắc chắn họ sẽ chuyển đổi mục đích xây dựng”, nhân viên này nói.
Cũng theo một môi giới chuyên phân khúc đất thổ cư Hà Nội cho biết, cơn sốt đất vùng ven thời điểm đầu năm chỉ là chiêu trò của cò đất và đầu nậu. Cơn sốt bùng lên và kéo dài trong chưa đầy 2 tháng. Và trên thực tế, những nhà đầu tư tay ngang, non kinh nghiệm, ôm đất chưa kịp đẩy hàng là những người chịu trận khi thị trường hạ nhiệt.
Đất nền, đất thổ cư tại một số quận, huyện ngoại thành Hà Nội đang tăng mạnh về giá và nhận được sự quan tâm, tìm kiếm rất lớn từ giới đầu cơ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư nên tỉnh táo, tránh trở thành nạn nhân của những cơn sốt đất ảo.
Dự án “ảo” hoành hành
Thời gian qua, trên mạng xã hội và nhiều chuyên trang bất động sản đã quảng cáo rầm rộ các dự án như: Golden Lake Hòa Lạc; Hòa Lạc Lake View; Adoland Capital 8; Tiến Xuân Green… tại các huyện, thị xã quanh Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây. Các dự án nói trên đều được quảng cáo hấp dẫn như: Hạ tầng đồng bộ; gần “siêu đô thị vệ tinh Hòa Lạc”; được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vĩnh viễn…với giá 9,5-18,5 triệu đồng/m2, có cơ hội sinh lời cao.
Thế nhưng, về pháp lý, lãnh đạo địa phương của các dự án nêu trên đều khẳng định, các khu đất nói trên đều chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án…
Nhiều dự án ma, sai phạm ở các khu vực ven Thủ đô đang tồn tại trên thị trường. |
Hà Nội đã có bài học cay đắng khi hàng loạt khu sinh thái, homestay nghỉ dưỡng, biệt thự nhà vườn, như The Choai Villa Sóc Sơn, The Homie Sóc Sơn, The Moonlight Sóc Sơn, Thiên Phú Lâm - Sóc Sơn, Nhà bên rừng U-LESA, Trà hoa viên Sóc Sơn... xây dựng trái phép trên đất rừng huyện Sóc Sơn.
Hàng loạt cán bộ huyện Sóc Sơn và TP. Hà Nội đã bị xử lý vì liên đới đến sai phạm này. Vì thế, đây là lúc chính quyền TP có những biện pháp mạnh tay và kiên quyết, chấn chỉnh tình trạng mua bán, trao đổi, chuyển nhượng và sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích đang diễn ra tràn lan. Nếu TP Hà Nội không có những biện pháp mạnh tay và kiên quyết để chấn chỉnh tình trạng mua bán, trao đổi, chuyển nhượng và sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích đang diễn ra tràn lan, việc tái diễn “bài học” Sóc Sơn là điều có thể nhìn thấy trước.
Theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở miền Bắc và miền Trung của Savills Việt Nam cũng cho rằng, đất nền là sản phẩm đầu tư dài hạn, có thể phải xây dựng, quản lý trong tương lai. Là nhà đầu tư, không phải chỗ nào cũng mua, mà có thể đầu tư một mảnh đất nhưng có thể đến 20 năm sau mới quay lại xây dựng cho con cái. Quan trọng là khu đất đấy giao thông phải thuận tiện, phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Các nhà đầu tư luôn có suy nghĩ trong đầu rằng đầu tư để kiếm lợi nhuận mà quên mất câu chuyện đầu tư còn để bảo toàn vốn, bảo toàn tài sản, để tránh câu chuyện tiền có thể mất giá. Bên cạnh đó, phải hiểu rằng đã đầu tư là đương nhiên phải chấp nhận rủi ro. Và những nhà đầu tư chuyên nghiệp họ vẫn dành một phần tiền đầu tư rủi ro, một phần của họ đầu tư vào tài sản sinh ra dòng tiền hàng tháng cho họ.
Ông Hiển khuyến cáo, trước khi xuống tiền đầu tư đón đầu cơ hội, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ các quy hoạch vùng liên quan, các dự án, khu đô thị có đảm bảo tính pháp lý hay không. Đối với khu đất muốn mua, phải kiểm tra trên Sở Tài nguyên Môi trường sổ đỏ có bị thế chấp, nằm trong ngân hàng nào hay chưa? tốc độ phát triển dự án, nếu muốn mua vì nó thì xem tiến độ dự án thực tế đến đâu, được cấp giấy phép chưa, đền bù giải phóng mặt bằng xong chưa vì những việc này có thể kéo hàng năm.
(Theo Dân Việt)