Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố.
Với nhóm nhà ở có nguồn gốc sở hữu nhà nước, hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8m2. Đối với nhóm nhà ở còn lại, diện tích tối thiểu là 20m2, công dân đi thuê, mượn, ở nhờ mới được giải quyết đăng ký thường trú.
TP Hà Nội cho biết, diện tích nhà ở tối thiểu như trên là diện tích được tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
Luật Thủ đô cho phép thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù để hạn chế tình trạng di dân tự phát vào khu vực nội thành.
Cụ thể, luật quy định điều kiện được đăng ký thường trú tại nội thành là phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở.
Đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của TP Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.
Còn tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 62 quy định chi tiết về Luật Cư trú 2020 thể hiện, trường hợp công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.
Về điều kiện đăng ký thường trú, tại Khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú 2020 quy định “Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người”.
Theo đại biểu Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, TP Hà Nội hiện nay có hơn 9 triệu dân, mật độ dân số trong nội thành cao, khiến hạ tầng đô thị bị quá tải. Điều đó dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến phố, trường học và cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu.
Do vậy, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà ủng hộ TP Hà Nội đưa ra quy định diện tích tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố cao hơn quy định trong Luật Cư trú.
“Từ những vụ cháy nổ vừa qua cho thấy những ngôi nhà nhỏ, lụp xụp, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy rất nguy hiểm. Do vậy, Hà Nội cần phải có quy định diện tích tối thiểu mới được đăng ký thường trú”, ông Phạm Văn Hoà nói.
Tuy nhiên, theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hoà cho rằng, việc quy định 20m2/người mới được giải quyết thủ tục thường trú ở Hà Nội là quá cao. Ông Phạm Văn Hoà đề nghị TP Hà Nội xin ý kiến nhân dân, chuyên gia để đưa ra quy định phù hợp với điều kiện của người dân.
“Chính sách này tác động đến rất nhiều người dân, do vậy, Hà Nội cũng cần phải đánh giá kỹ tác động của quy định là như thế nào. Đặc biệt cần làm rõ căn cứ, cơ sở nào để thành phố đưa ra điều kiện đăng ký thường trú đối với người ở nhà thuê, mượn, ở nhờ lên tới 20 m2, cao hơn nhiều so với mức 8m2 mà Luật Cư trú đưa ra”, đại biểu Phạm Văn Hoà nói thêm.