Đây là một nội dung trong nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành TT&TT Thủ đô trong nửa cuối năm nay vừa được bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết tại hội nghị gặp mặtphóng viên theo dõi ngành TT&TT nhân kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017) và cung cấp thông tin về kết quả hoạt động của ngành TT&TT 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 được tổ chức vào chiều ngày 19/6/2017.

Cũng theo người đứng đầu Sở TT&TT Hà Nội, trong 6 tháng cuối năm 2017, song song với việc tiếp tục tập trung hoàn thiện, triển khai đồng bộ các kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT năm nay, Sở sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng Trung tâm dữ liệu chính tại Trung tâm dữ liệu của Tập đoàn Viettel, đảm bảo đường truyền mạng WAN; triển khai Trung tâm giám sát, điều hành CNTT của Thành phố.

Trong thời gian tới, Sở tập trung làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm khác như: đảm bảo an toàn thông tin đối với các ứng dụng; triển khai mở rộng chữ ký số chuyên dùng; tiếp tục xây dựng, cập nhật và khai thác chia sẻ các cở dữ liệu cốt lõi, triển khai diện rộng số hóa dữ liệu; triển khai có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Kế hoạch 09 ngày 12/1/2017 của UBND Thành phố.

Đồng thời, triển khai thí điểm và mở rộng các ứng dụng CNTT, hệ thống thông tin trong các lĩnh vực chuyên ngành và các ứng dụng thành phố thông minh; trình Hội đồng nhân dân Thành phố điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các cán bộ, công chức làm CNTT...

Đánh giá về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2017, bà Phan Lan Tú cho rằng, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước Thành phố Hà Nội đang được triển khai tích cực, đảm bảo đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử Thủ đô.

Cụ thể, nửa đầu năm nay, Sở TT&TT đã tham mưu với UBND Thành phố ban hành, triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2017, Quy định quản lý, sử dụng máy tính bảng trong công tác chỉ đạo điều hành của Thành phố, Kế hoạch 09 ngày 12/1/2017 của UBND Thành phố về việc triển khai vận hành chính thức các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai.

Sở TT&TT đã hoàn thiện và trình UBND Thành phố phê duyệt Khung kiến trúc, chiến lược, lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện và xây dựng đề án Thành phố thông minh; đồng thời phối hợp với Sở Tư pháp có tờ trình UBND Thành phố về việc ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 triển khai năm 2017 của Thành phố.

Bên cạnh đó, Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thành phố Hà Nội với Tập đoàn Microsoft về triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; đôn đốc các doanh nghiệp CNTT (Viettel, VNPT, FPT và Nhật Cường) tham gia phối hợp xây dựng các giải pháp triển khai thành phố thông minh (gồm Trung tâm giám sát, điều hành tập trung và các hệ thống: giao thông, giáo dục, y tế, du lịch thông minh...); hoàn thành thí điểm số hóa dữ liệu hộ tịch tại quận Long Biên để làm cơ sở triển khai diện rộng trong năm 2017...

Cùng với việc tiếp tục triển khai hạ tầng truyền dẫn, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu Dân cư và triển khai các dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố, trong 6 tháng đầu năm nay, Sở TT&TT Hà Nội đã chủ trì triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến 168 phường, 12 quận và 10 sở.

Cụ thể, triển khai kế hoạch năm 2017, đến nay Thành phố đã đưa vào vận hành chính thức 46/96 dịch vụ công trực tuyến, vận hành thử nghiệm 32/96 dịch vụ công trực tuyến và đang tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ công còn lại để triển khai cung cấp trực tuyến mức độ cao. Thành phố đã thí điểm triển khai 2 dịch vụ công trực tuyến mức 4, thực hiện trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích của Bưu điện Hà Nội.

Thống kê của Sở TT&TT Hà Nội cũng cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Thành phố đã có 4.681 cán bộ được cấp tài khoản tham gia, với gần 5 triệu lượt truy cập. Hà Nội hiện có 391 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3 và 4, gồm 281 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 110 dịch vụ công mức độ 4, đạt gần 20,4% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, tỷ lệ giao dịch qua mạng của người dân, doanh nghiệp tại Hà Nội đạt mức cao: 82.580 hồ sơ/ 91.798 hồ sơ, đạt hơn 90%. Thống kê theo lĩnh vực, 2 lĩnh vực tư pháp và quản lý đô thị đều có tỷ lệ giao dịch qua mạng đạt 100%, lĩnh vực thuế đạt 96%, lĩnh vực bảo hiểm xã hội đạt hơn 80%, lĩnh vực đăng ký kinh doanh đạt trên 70%...

Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam - Vietnam ICT Index 2016 được Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam công bố hồi trung tuần tháng 3 năm nay, Hà Nội đã vượt TP.HCM để vươn lên xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2015.

Trong báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 được Bộ TT&TT công bố ngày 9/5/2017, Hà Nội nằm trong top đầu về các chỉ số: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ; Trang/Cổng thông tin điện tử; Số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT; Nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT. Đặc biệt, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, theo đánh giá của Bộ TT&TT, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ cao trong năm 2016, với 340.027 hồ sơ trực tuyến mức 3.