Thực trạng bán suất mua nhà ở xã hội ăn chênh lệch nở rộ thời gian gần đây khiến chính sách nhà ở xã hội đang xa dần mục đích.

Loạn giá tiền “chênh”

Nhà ở xã hội ra đời với mục đích tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu một căn nhà. Theo quy định, người mua nhà xã hội sẽ mua trực tiếp từ chủ đầu tư mà không thông qua trung gian. Tuy nhiên thực tế để sở hữu một căn nhà tại dự án nhà ở xã hội người dân lại phải đi đường vòng rất vất vả với việc phải chi ra cả trăm triệu tiền chênh.

Lựa chọn mua nhà ở xã hội nhưng cả tháng nay hai vợ chồng chị D. (hiện đang thuê nhà tại Lê Trọng Tấn – Hoàng Mai) chưa thể chốt được một dự án nào. Kể về hành trình tìm kiếm dự án nhà ở xã hội của mình chị D. cho biết, tìm hiểu thông tin về các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội hiện nay chúng tôi thấy giá khá hợp lý hơn nữa lại có nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn cho người mua nhà cùng với số tiền dành dụm của hai vợ chồng nên gia đình tôi quyết định tìm mua nhà thời gian này. Tuy nhiên, khi liên hệ để mua tại một số sàn giao dịch chào bán căn hộ với giá chênh từ 60 – 70 triệu đồng. Số tiền chênh này được xem như là cam kết chắc chắn để khách hàng có thể lọt qua khâu chấm điểm hồ sơ và mua được nhà.

{keywords}
Với số tiền chênh gần trăm triệu đồng được xem như là cam kết chắc chắn để khách hàng có thể lọt qua khâu chấm điểm hồ sơ và mua được nhà.

Theo lời chị D. chúng tôi liên hệ với nhân viên sàn giao dịch trên đường Nguyễn Chí Thanh. Theo lời giới thiệu của nhân viên này, sàn giao dịch hiện đang phân phối căn hộ tại dự án nhà ở xã hội, Khu đô thị Tứ Hiệp (Thanh Trì – Hà Nội). Theo lời của nhân viên này, bây giờ chỉ còn căn hộ ở CT4 với khoảng 100 căn.

Về khoản tiền chênh 70 triệu nhân viên này phân tích, mua theo hình thức thông thường là mình nộp hồ sơ vào mình chấm điểm gửi lên Sở Xây dựng người ta xét duyệt mình được duyệt rồi thì bốc thăm. Ở đây có 2 vấn đề rủi ro 1 là hồ sơ của mình không được duyệt. Thứ 2 là chọn căn tầng như mình thích tầng cao lại chọn phải tầng thấp, thích diện tích nhỏ bốc phải diện tích to. 70 triệu này chị hình dung là khoản chủ đầu tư người ta thu thêm người ta giữ lại số quỹ căn khoảng 50 – 70 căn chẳng hạn.

“Bên em sẽ có giấy cam kết giấy nhận tiền và có điều khoản cam kết nếu không mua được thì sẽ hoàn trả tiền cho khách hàng. Đóng 70 triệu đó là suất mua. Tất cả hồ sơ đều được nộp lên Sở Xây dựng điền đầy đủ thông tin chính xác chỉ có cái mình bỏ qua khâu chấm điểm. Bên em sẽ giới hạn cho chị khoảng căn tầng từ tầng 5 đến tầng 9 nó là tầng chung rồi nó đẹp hơn” – nhân viên này khẳng định.

Tiếp tục tìm mua căn hộ tại dự án án nhà ở xã hội Đại Kim (Đồng Mô, Hoàng Mai) do Hadinco 5 làm chủ đầu tư, chị D. cũng nhận được tư vấn giá chênh 60 triệu đồng để chắc suất.

Thông tin từ Sở Xây dựng vừa công bố cho biết sẽ tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở xã hội Đại Kim từ 3-17/9. Địa điểm nhận hồ sơ chính là phòng dự án của Handico 5 với chi tiết số điện thoại, địa chỉ. Nhưng, với tâm lý nếu nộp hồ sơ để xếp hàng, chấm điểm theo đường “chính tắc” dễ bị loại nên chị D. cũng như nhiều khách hàng khác chọn tìm “môi giới” thông qua các sàn giao dịch.

Với dự án Đại Kim, nhân viên này cũng cho biết, nếu đúng theo nguyên tắc về nhà ở xã hội thì khách hàng nộp tiền theo giá gốc, nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng sau đó chờ ngày đến bốc thăm. Và bốc thăm sẽ chia ra từng đợt bốc thăm sẽ xét theo điểm từ cao xuống thấp. Nhưng đồng thời bên em cũng sẽ làm phương án khác cho khách hàng là bên em sẽ cho khách hàng vào trước nghĩa là sẽ vào trước đợt bốc thăm là sẽ được chọn căn chọn tầng luôn. Phí để vào chọn căn chọn tầng luôn sẽ là 60 triệu.

Chạy đua giá “chênh”

Có cùng điều kiện và nhu cầu mua nhà ở xã hội, chị D. cũng như nhiều khách hàng vẫn thường rỉ tai nhau về những dự án và trong đó vẫn là những cân nhắc về việc giá chênh ở dự án này thấp hơn dự án kia.

Cũng tìm hiểu và liên hệ với ít nhất 3 sàn giao dịch để mua căn hộ tại dự án Đại Kim, chị Tr. đã “từ bỏ” dự án vì mức tiền chênh 60 – 70 triệu đồng là quá cao so với khả năng tài chính của gia đình. Chị đang tìm hiểu dự án nhà ở xã hội ở Thạch Bàn với mức giá chênh chỉ vào khoảng 30 triệu đồng.

Trước đó, một dự án nhà ở xã hội được xếp vào diện hàng “hot” là Ecohome 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do CTCP Đầu tư Thương mại Thủ Đô làm chủ đầu tư cũng từng được báo chí phản ánh về việc rao bán với mức tiền chênh "khủng". Thông tin báo chí phản ánh cho biết, dự án được sàn bất động sản giới thiệu cơ hội đặt chỗ thuê mua căn hộ dự án với mức giá 80 triệu đồng/căn.

Trong khi môi giới công khai nhận đặt cọc mua nhà ở xã hội Ecohome 2, thì phía chủ đầu tư cho biết số căn hộ bán và cho thuê cho đối tượng đủ điều kiện thuê và mua nhà ở xã hội, Công ty đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số lượng căn hộ thương mại trong dự án, việc khách hàng bán với tiền chênh hay nhận đặt cọc, doanh nghiệp không thể kiểm soát.

Tại dự án nhà ở xã hội, khu đô thị Tứ Hiệp, Thanh Trì, phía chủ đầu tư cũng khẳng định tất cả hồ sơ đều được thu nộp tại văn phòng công ty, công ty không liên kết phân phối với bất cứ sàn giao dịch nào.

Chính sách phát triển nhà ở xã hội đã đưa ra rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp và người mua nhà. Chính vì vậy, giá bán nhà ở xã hội thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Nhiều dự án nhà ở xã hội có vị trí đẹp, giá bán thấp nên tạo được sức hút với người mua. Điều này dẫn đến tình trạng bán suất mua nhà ở xã hội ăn chênh lệch nở rộ thời gian gần đây khiến chính sách nhà ở xã hội đang xa dần mục đích.

Hồng Khanh

Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: [email protected]