Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 đến 3/9), tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 672.900 lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch nội địa ước đón 614.000 lượt, tăng nhẹ 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Còn khách du lịch quốc tế đạt khoảng 58.900 lượt, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ một số thị trường hàng đầu bao gồm: Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Mỹ, Anh...
Ước tính trong 4 ngày nghỉ lễ, công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn, căn hộ du lịch đạt khoảng 61,2%, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023. Một số khối khách sạn 4 - 5 sao, khu căn hộ cao cấp công suất sử dụng phòng khá cao.
Tổng thu của ngành du lịch Hà Nội dịp nghỉ 2/9 năm nay ước đạt hơn 2.180 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, bên cạnh những địa điểm du lịch quen thuộc của Hà Nội như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực hồ Hoàn Kiếm; Hoàng thành Thăng Long; Chùa Một Cột; Vườn thú Thủ Lệ hay dạo quanh khu phố trung tâm ngắm những con phố cổ kính…; thì những địa điểm du lịch mới gồm các tổ hợp vui chơi, giải trí hay những khu du lịch, điểm du lịch ngoại thành cũng thu hút lượng đông du khách vui chơi, trải nghiệm, nghỉ dưỡng.
Trong đó, vườn Thú Hà Nội đón 76.671 lượt khách. Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm đón khoảng 47.000 lượt khách. Di tích Nhà Tù Hỏa Lò đón 28.020 lượt khách. Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long và Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng đón hơn 22.000 lượt khách. Công viên Thiên đường Bảo Sơn đón 20.382 lượt khách. Không gian phố đi bộ Sơn Tây và di tích Thành cổ Sơn Tây đón khoảng 15.000 lượt khách. Khu du lịch Ao Vua đón 15.000 lượt khách. Bảo tàng Dân tộc học đón 6.500 lượt khách. Khu vui chơi giải trí Tuần Châu - Hà Nội đón 5.500 lượt khách. Khu di tích Cổ Loa đón 2.168 lượt khách. Làng cổ Đường Lâm đón 2.317 lượt khách. Các điểm du lịch của huyện Gia Lâm (Bát Tràng, Kim Lan, Dương Xá, Phù Đổng) đón khoảng 5.000 lượt khách…
Để đạt được con số ấn tượng trên, ngành du lịch Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình và lễ hội chào đón Tết Độc lLập, thu hút đông đảo sự quan tâm của khách du lịch như: không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận và các tuyến phố đi bộ khu vực phố cổ với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn; Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây) với chương trình “Vui tết độc lập”; Công viên Thiên đường Bảo Sơn, huyện Hoài Đức với chương trình “Lễ hội Xứ sở Thần Tiên”…
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật múa rối miễn phí; Văn Miếu - Quốc Tử Giám với hoạt động triển lãm “Nghiên bút còn thơm”; Công viên biển Tuần Châu, huyện Quốc Oai với chương trình biểu diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”.
Ngoài ra, tại các quận, huyện: Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm cũng diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc chào mừng kỷ niệm Quốc khánh do các đơn vị nghệ thuật của Sở Văn hóa, Thể thao tổ chức…
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tặng 28.000 suất quà cho du khách đến thăm, viếng tại lăng; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và Câu lạc bộ Đình Làng Việt tổ chức chương trình diễu hành “Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội năm 2024”… thu hút đông đảo sự quan tâm và hưởng ứng từ du khách.
Theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, công tác đảm bảo an ninh, an toàn đã được các đơn vị lưu trú - dịch vụ du lịch quan tâm và nghiêm túc thực hiện. Bộ phận “đường dây nóng” của sở đã hỗ trợ, cung cấp thông tin cho hơn 90 lượt du khách gọi điện đến, bảo đảm du khách được tiếp đón chu đáo.
Thế Định