UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. 

Theo đó, dự thảo đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5-2 lần so với Nghị định 168/2024, trong đó có những hành vi vi phạm phạt tiền lên tới 120 triệu đồng.

Bày tỏ quan điểm về đề xuất này, anh Trần Văn Mạnh (tài xế xe tải ở Hà Nội) cho biết, bản thân anh là lao động chính trong gia đình, từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, anh rất cẩn trọng khi di chuyển trên đường. Anh Mạnh cho rằng, Nghị định 168 với mức xử phạt được đánh giá đã đủ sức răn đe.

“Việc xử phạt hành chính bằng tiền là cần thiết nhằm góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tăng gấp 1,5 - 2 lần như Hà Nội đề xuất sẽ gây áp lực không nhỏ cho cánh tài xế chúng tôi”, anh Mạnh băn khoăn.

Tài xế này mong muốn bên cạnh việc nâng cao mức phạt thì cũng cần đảm bảo công bằng, không xảy ra tình trạng phạt oan hoặc tiêu cực trong quá trình xử lý. Đồng thời, tài xế này cho rằng, thay vì tăng mức xử phạt, Hà Nội cần tập trung vào việc cải thiện hạ tầng giao thông, lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát tự động để hạn chế vi phạm từ cả hai phía.

xe qua tai dan phuong 2 684.jpg
Một xe chở quá tải trên 48% bị lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện. Ảnh: Đình Hiếu 

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc tăng mức phạt vi phạm giao thông mà Hà Nội mới đây đã đề xuất.

Ông Thanh cho biết, việc Hà Nội đề xuất có cơ sở pháp lý, căn cứ trên Luật Thủ đô 2024 và thực trạng giao thông phức tạp ở Hà Nội hiện nay.

“Ngoài ra, Hà Nội còn là bộ mặt của cả nước. Sau 1 tháng áp dụng Nghị định 168, ý thức tham gia giao thông của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn có những hành động, những cá nhân cố tình vi phạm giao thông trên đường phố. Do đó, việc nâng mức xử phạt là cần thiết. Tôi đồng tình với Hà Nội nên có nghị quyết mạnh tay hơn”, ông Thanh bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Thanh băn khoăn trước việc Hà Nội đưa ra 107 hành vi vi phạm cần phải nâng mức phạt từ 1,5 tới 2 lần.

“Tôi cho rằng nên cân nhắc, không nên xử phạt tràn lan. Hà Nội nên chọn những hành vi vi phạm đặc biệt như cố tình cơi nới thành thùng, chở quá tải, chạy quá tốc độ, uống rượu bia vi phạm nồng độ cồn… để nâng mức phạt. Do đó, có thể không phải 107 hành vi mà khoảng 50 hành vi cần nâng mức xử phạt thôi. Việc áp dụng nâng mức xử phạt phải được áp dụng cho những hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn tai nạn, thể hiện sự cố tình vi phạm pháp luật thì cần xử nghiêm, thậm chí cần thiết đưa ra xử lý hình sự”, ông Thanh bày tỏ.

Mức phạt 120 triệu có quá cao? 

Đáng lưu ý, trong dự thảo nghị quyết có 5 lỗi vi phạm giao thông được Hà Nội đề xuất tăng mức phạt tối đa lên tới 120 triệu đồng. Cơ quan soạn thảo lý giải đây là nhóm hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến kết cấu hạ tầng.

Trong đó, có hành vi giao xe, để cho người làm công, người đại diện điều khiển hoặc chủ xe trực tiếp điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của đường bộ trên 20 - 50%.

Mức phạt này được dư luận cho rằng quá cao so với thu nhập của người dân. 

Tuy nhiên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh lại bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này. Thậm chí, ông Thanh còn cho rằng, cần xử hành vi này dưới tội danh hình sự. 

“Ở Thái Lan, hành vi này sẽ được quy vào tội cố tình phá hoại tài sản quốc gia và bị xử lý hình sự. Biện pháp này đã áp dụng cách đây hàng chục năm chứ không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Vì việc chở quá tải trọng là tài xế phá con đường, vì lợi ích của cá nhân phá hỏng cả đoạn đường/con đường. Trong khi việc sửa chữa những con đường hư hỏng lên tới hàng tỷ đồng…”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Thanh, đâu đó có ý kiến cho rằng Việt Nam thừa phương tiện nhưng thực tế các xe vẫn luôn chở quá tải. Rõ ràng, chỉ khi thiếu xe mới chở quá tải chứ. Tại sao thừa xe lại vẫn tái diễn tình trạng này?

“Việc chở quá tải tiềm ẩn tai nạn giao thông kinh khủng. Vì xe chở quá tải trọng sẽ ảnh hưởng tới hệ thống phanh và những vấn đề kỹ thuật khác. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra xe chở quá tải trọng, điều này thể hiện việc cố tình vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản quốc gia. Cho nên tôi đồng tình với đề xuất phạt nặng đối với cả chủ xe và tài xế. Nếu tài xế cũng là chủ xe thì cả hai chủ thể đều chịu phạt”, ông Thanh bày tỏ.