Sáng 7/7, tại hội nghị Bộ Nội vụ với các địa phương sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, nhiều địa phương đề nghị tăng biên chế, tăng lương cho cán bộ, công chức.
Giao chỉ tiêu biên chế tránh cào bằng
Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, TP đã tập trung thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức tại 175 phường.
Đồng thời, TP ban hành quyết định chuyển công chức cấp xã ở phường sang công chức nhà nước, giao bổ sung 2.625 biên chế công chức tại 175 phường thành công chức cấp quận quản lý, hoạt động theo cơ chế quản lý mới. Qua đó, tinh giản 125 biên chế so với trước khi thực hiện thí điểm mô hình này.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ sớm tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định 32/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 97/2019 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Trong đó, điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường theo số dân cư và diện tích tăng thêm hoặc tăng thêm các chế độ chính sách đối với công chức ở những phường có số lượng dân cư đông.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu phương án phân bổ, giao chỉ tiêu biên chế đối với các nơi có khối lượng công việc lớn, tránh cào bằng, không đủ nhân lực đề hoàn thành nhiệm vụ.
Cùng là địa phương thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng nêu một số vướng mắc. Cụ thể, khi chuyển ngân sách quận, phường từ một cấp ngân sách thành đơn vị dự toán gặp nhiều khó khăn. UBND các quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách nên không còn nguồn tăng thu, kết dư như một cấp ngân sách.
Vì vậy, Đà Nẵng đề nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế quản lý tài chính, ngân sách ở UBND quận, phường được tổ chức là một cấp ngân sách hoặc quy định “đơn vị dự toán ngân sách quận, phường có dự phòng ngân sách như cấp ngân sách” và “phòng tài chính kế hoạch quận thực hiện nhiệm vụ của cơ quan tài chính cùng cấp quận”.
Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 34/2021 nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị về cơ chế quản lý tài chính ngân sách.
Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ cho phép UBND TP quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, đổi tên, quy định chức năng nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, đảm bảo không quá 12 cơ quan chuyên môn và tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; tinh gọn, hợp lý, hiệu quả, bao quát đầy đủ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND quận.
Ông Đồng cũng cho biết, chế độ chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức thành phố chưa tương xứng với mặt bằng thu nhập, tính chất và khối lượng công việc đảm nhận. Vì vậy, Đà Nẵng đề nghị Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội quan tâm thống nhất để TP thực hiện cơ chế đặc thù tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, cho phép Đà Nẵng được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho cơ sở hạ tầng KT-XH thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.
TP.HCM sáp nhập huyện, xã gặp khó do đất chật người đông
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, qua việc sắp xếp cán bộ dôi dư từ sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 – 2021, TP giảm 170 cán bộ, công chức cấp huyện gồm 42 lãnh đạo, 109 công chức và 19 trường hợp ký hợp đồng; giảm 100 cán bộ, công chức cấp xã và 124 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Hiện nay, các đơn vị hành chính được sắp xếp đã hoạt động ổn định, nhân sự được đảm bảo, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương.
Tuy nhiên, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP.HCM đa phần có diện tích nhỏ nhưng quy mô dân số rất lớn, thậm chí có xã phường đạt trên 2.000% tiêu chuẩn về quy mô dân số.
Cụ thể, có 11/22 đơn vị hành chính cấp huyện và 217/312 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên. Tuy nhiên có 21/22 ĐVHC cấp huyện và 223/312 ĐVHC cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn về quy mô dân số.
Trong đó có 65 đơn vị đạt từ 300 – 500%; 10 đơn vị đạt từ 500 – 1.000%; 5 đơn vị đạt trên 1.000%, và 1 đơn vị đạt trên 2.000% tiêu chuẩn về quy mô dân số.
Điều này đặt ra rất nhiều khó khăn cho TP.HCM trong nghiên cứu, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới để đảm bảo đạt cả 2 tiêu chuẩn.
Thời gian tới, TP.HCM tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. TP tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp, ổn định bộ máy, nhân sự tại các đơn vị hành chính được sắp xếp, nhất là làm tốt công tác tư tưởng, xử lý tốt vấn đề cán bộ dôi dư.
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực từ tháng 8/2023, quy định 41 cơ chế chính sách thuộc 7 lĩnh vực.
Trong đó có nhiều nội dung về tổ chức bộ máy, nhân sự liên quan đến ngành nội vụ như việc thành lập Sở An toàn thực phẩm, quy định cấp phó của cấp huyện, số lượng cán bộ công chức cấp xã; đặc biệt, tổ chức bộ máy, nhân sự TP Thủ Đức theo mô hình TP trực thuộc TP.
Theo ông Thăng, TP.HCM là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp nhiều thứ 2, chỉ sau Hà Nội (186 đơn vị).
"TP.HCM có phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân có 125.890 người gấp 8,3 lần so với tiêu chuẩn quy định. Nhưng phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức chỉ có 1.215 người. Chênh lệch dân số ở TP.HCM giữa phường đông dân nhất và ít dân nhất lên đến 104 lần", Thứ trưởng Nội vụ nêu đặc thù.
Về việc tăng thêm số lượng công chức theo quy mô dân số và diện tích tự nhiên cao hơn so với quy chuẩn của Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Thăng đề nghị TP.HCM chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ để triển khai sơ kết mô hình chính quyền đô thị và triển khai Nghị quyết mới đây của Quốc hội để thực hiện cho phù hợp.