Năm 2024, với phương châm “Nắm vững chủ trương, chính sách - Nắm chắc tình hình, thực tiễn - Nắm rõ chức năng, nhiệm vụ” và “phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của trung ương và thành phố”, UBND thành phố Hà Nội đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác.Kết quả đó có được một phần nhờ sự đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong từng mặt công tác. Đây là cơ sở tạo tiền đề cho Thủ đô bứt phá trong năm 2025.
Đồng thời, UBND thành phố thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề, giao ban định kỳ, tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm, cấp bách với 917 cuộc họp, trong đó 7 phiên họp tập thể UBND thành phố, 910 cuộc họp do Chủ tịch UBND thành phố, các Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì. Các cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, bảo đảm thông suốt, ổn định, hiệu quả, giảm thiểu thời gian di chuyển của nhiều đơn vị.
UBND thành phố cũng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Quy chế làm việc mới của UBND thành phố được thiết lập với nguyên tắc đề cao trách nhiệm cá nhân, vai trò nêu gương của người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp trong 16 lĩnh vực và ủy quyền 653 thủ tục hành chính; làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, bảo đảm mỗi nhiệm vụ được thực hiện nhanh gọn, hiệu quả, đúng thẩm quyền.
Để có được những kết quả nêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, UBND thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả công tác và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hệ thống E-Cabinet được triển khai, hướng tới mô hình quản lý văn bản, hồ sơ điện tử, giảm thiểu giấy tờ trong các cuộc họp.
Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với những bước đi cụ thể, hiệu quả, như triển khai thí điểm Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả phục vụ. Hơn 1.100 thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa, công khai minh bạch trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố.
Hướng đến quản trị thông minh
Với quyết tâm tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, UBND thành phố đã đề ra 5 phương hướng phát triển trong năm 2025.
Các đại biểu tham quan mô hình số hóa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, tháng 12-2024.
Trong đó, UBND thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, giao thông công cộng, hạ tầng các khu công nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học; hạ tầng khung các thành phố thuộc Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh, an toàn cho người dân Thủ đô.
Bên cạnh đó, UBND thành phố sẽ thể chế hóa Luật Thủ đô sửa đổi và hai quy hoạch theo phương châm “Thể chế thông thoáng - Quản trị thông minh - Tư tưởng thông suốt với văn hóa soi đường và nhân tài dẫn lối”; xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng văn hóa số; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, ủy quyền, nắm vững tư tưởng chỉ đạo, định hướng chiến lược của Trung ương và các nội dung mới trong Luật Thủ đô sửa đổi.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, UBND thành phố xây dựng hệ thống trợ lý ảo AI để phục vụ xử lý công việc. Hệ thống này được xây dựng trên 6 nền tảng công nghệ chủ lực, như: ChatGPT, Amazone, Facebook, Google…, và đặc biệt là nền tảng trợ lý ảo "Made by HaNoi". Đây là sản phẩm công nghệ đột phá, độc đáo, mang dấu ấn riêng của Thủ đô. Hệ thống trợ lý ảo AI sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc khai thác, tìm hiểu thông tin và đặc biệt là trực tiếp trả lời những kiến nghị, thắc mắc của người dân, doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan:
Đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong điều hành
UBND thành phố Hà Nội đã bám sát, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Thành ủy, HĐND thành phố, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, kỷ cương, chủ động, linh hoạt và quyết tâm đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong điều hành.
Quản trị thông minh trên cơ sở ứng dụng số là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của thành phố, phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ. UBND thành phố cần gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với chuyển đổi số, từ đó mạnh dạn thí điểm các mô hình mới trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số chính là cuộc cách mạng giúp người dân, doanh nghiệp giảm chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính. Với việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố, thực hiện thủ tục hành chính phi địa giới hành chính, Hà Nội sẽ là thành phố đầu tiên thực hiện thủ tục này.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an):
Chuyển biến tích cực
Trong năm 2024, nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai của UBND thành phố Hà Nội về chuyển đổi số được ban hành, trong đó, ngoài kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số của thành phố, các sở, ngành đã tham mưu thành phố ban hành các kế hoạch để triển khai chuyển đổi số theo ngành, lĩnh vực quản lý.
Việc tổ chức triển khai chuyển đổi số của thành phố được thực hiện đồng bộ, toàn diện tới các cấp, ngành, bước đầu cho thấy rõ sự chuyển biến tích cực trong công cuộc chuyển đổi số của thành phố trong 2 năm gần đây.
Đáng lưu ý, các hạ tầng thông tin quan trọng, có tính chất nền tảng cốt lõi của thành phố nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố đến 3 cấp trực thuộc thành phố bảo đảm theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp với các hệ thống của Trung ương được tiếp tục duy trì, vận hành ổn định, khai thác, sử dụng có hiệu quả.
Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang:
Minh chứng của tầm nhìn dài hạn
Thành phố Hà Nội là một trong 5 địa phương được giao nhiệm vụ thí điểm triển khai mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công, là cơ quan hành chính nhà nước 1 cấp trực thuộc UBND thành phố với mục tiêu “cải thiện, nâng cao chất lượng toàn diện, có lộ trình” việc cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân, doanh nghiệp.
Việc UBND thành phố thành lập trung tâm là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.
Đây không chỉ là bước tiến trong cải cách hành chính, mà còn là minh chứng cho "Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh" của UBND thành phố trong việc xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân, doanh nghiệp, khẳng định "Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội" trong nỗ lực chung nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của một đô thị đặc biệt.
Mai Hữu (Báo Hànộimới)