Trụ sở nhiều cơ quan của Hà Nội tại vị trí đất vàng, được các chuyên gia đánh giá có thể lên mức giá rất cao nhiều đại gia vẫn sẵn sàng nhập cuộc. Đã có những thông tin đất vàng phố cổ lên đến 1 tỷ/m2 trên thị trường nhưng đến nay vẫn chưa có ai xác thực về điều này. Dự kiến qua đấu giá các trụ sở hiện nay của 8 sở, ngành thành phố Hà Nội sẽ thu được gần 2.000 tỷ đồng.
Đất Bờ Hồ rao 1 tỷ đồng/m2
Theo kế hoạch Hà Nội, cuối năm 2017 hoặc đầu 2018, các sở ngành của thành phố sẽ được chuyển về hai khu hành chính tập trung mới. Khu thứ nhất nằm trên đường Võ Chí Công (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ). Khu thứ hai sẽ xây dựng mới tại vị trí trụ sở Sở Xây dựng số 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng.
Hiện nay, 8 sở, ngành thuộc diện di dời của Hà Nội hầu hết nằm tại các vị trí được cho là “đất vàng”. Được biết, con số dự kiến đấu giá các trụ sở hiện nay của 8 sở, ngành thành phố Hà Nội sẽ thu được gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trường hợp là đất sản xuất kinh doanh, đất phi nông nghiệp sẽ thu được hơn 1.000 tỷ đồng.
Trụ sở cũ Sở Tài chính Hà Nội ở khu đất vàng |
Nằm ở con phố trung tâm quận Hoàn Kiếm, Sở Tài chính nằm ở 38B Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, nằm gần Hồ Hoàn Kiếm, Trung tâm thương mại Tràng Tiền, Nhà hát Lớn; trụ sở Sở Quy hoạch - Kiến trúc nằm ở 31B Tràng Thi,... được đánh giá là những vị trí có giá trị nhất.
Từ lâu, khu vực xung quanh Bờ Hồ hay khu vực phố cổ Hà Nội luôn dẫn đầu về sự đắt đỏ của bất động sản sánh ngang với những khu đất vàng ở Paris, Tokyo, New York,... Mỗi mét vuông ở đây cũng đủ để chủ sở hữu trở thành tỷ phú.
Theo khảo sát, trên hai tuyến phố này, mức giá thị trường đang được rao trên nhiều trang web không dưới 1 tỷ đồng. Đơn cử tại một căn nhà 2 tầng, hiện đang được chủ nhân “hét giá” 22 tỷ cho 15 mét vuông mặt sàn với chưa đầy 1 mét chiều dài mặt đường. Trung bình mỗi mét vuông có giá 1 tỷ 2. Tuy nhiên đây cũng chỉ là lời rao, còn sự thực giao dịch thế nào thì chưa được xác thực.
Kết quả của một công ty nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, đường Tràng Thi đang có mức giá bán trung bình khá cao, gần 483,7 triệu đồng/m2; tiếp sau là đất tại đường Hai Bà Trưng, có giá 450 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất trung bình của quận Hoàn Kiếm là trên 482 triệu đồng/m2.
Cũng theo báo cáo của công ty này, giá đất tại khu vực đường Cát Linh, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa (trụ sở cũ của Sở Kế hoạch và Đầu tư) là xấp xỉ 246,3 triệu đồng/m2. Giá tại đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa (trụ sở cũ của Sở Tài nguyên và Môi trường) là 340 triệu đồng/m2. Giá tại đường Nguyễn Chánh, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (trụ sở cũ của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) là 281 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại vị trí của các sở ngành trên trục đường Nguyễn Trãi, Hà Đông, giá đất dao động 250-300 triệu đồng/m2.
Đại gia săn lùng
Câu chuyện về giải phóng mặt bằng với mức đền bù giá “khủng”, “kỷ lục” chưa từng có trong tiền lệ đã khiến khu đất ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng trở thành vị trí “đắt xắt ra miếng” giữa Thủ đô.
Năm 2010, dư luận đã có thời điểm “hốt hoảng” về mức giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa từng có từ trước đến nay tại các địa chỉ 22-24 Hàng Bài, 25-27 Hai Bà Trưng. Để di dời 300 hộ dân cư trú trên diện tích 300m2, chủ dự án đã chấp nhận mức giá 500 triệu đồng/m2.
Trong số này, 15/17 hộ đã thống nhất mức giá đền bù. Tuy nhiên, duy nhất 2 hộ đơn phương phản đối. Không chấp nhận mức giá đền bù 600 triệu đồng/m2, hai chủ hộ này đã đưa ra con số đền bù 1 tỷ đồng/m2. Vụ việc kéo dài, chủ đầu tư cuối cùng chấp nhận một cái giá khá chát nhưng có đến 1 tỷ/m2 hay không vẫn được giấu kín.
Đại gia thâu tóm hơn 1,5ha đất “kim cương” Giảng Võ |
Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Văn Phú - Giảng Võ bỏ ra gần 644 tỷ đồng để xây dựng Đại học Y tế cộng đồng mới, đổi lại Văn Phú Invest sẽ là chủ đầu tư triển khai dự án trên khu đất được đánh giá là “đất vàng” tại mặt tiền số 138B đường Giảng Võ, HN.
Ông Nguyễn Quang Quỳnh, giám đốc công ty BĐS Mỹ Đình, cho rằng, những khu đất trụ sở được các đại gia quan tâm nhất bởi không phải giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, khu đất này đều ở vị trí đẹp, mặt tiền rộng và khả năng sinh lời rất cao.
Với nguồn cung hạn chế ở khu vực trung tâm, trụ sở các ban ngành luôn được giới đầu tư bất động sản quan tâm. Hiện nay, ở những tuyến phố này, dù có tiền hàng chục tỷ vẫn không thể mua được.
Ông Quỳnh cho biết thêm, những khu đất vàng, diện tích càng lớn giá trị sẽ càng cao. Vì nếu diện tích lớn, chủ sở hữu có thể xây dựng làm chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, còn những mảnh đất có diện tích nhỏ thì ngược lại. “Cơn sốt” xoay quanh số phận những khu “đất vàng” của các bộ, ngành sau khi di dời có thể làm nóng thị trường BĐS sắp tới.
Nam Hải