Không có chỗ thì… đổ trộm?
Anh Nguyễn Văn Dương, chủ thầu xây dựng người Phú Thọ cho biết: Đội thợ của anh vừa nhận thêm 1 công trình nhà 4 tầng tại quận Long Biên. "Ngôi nhà này muốn xây mới sẽ phải đập bỏ căn nhà cấp 4 của chủ cũ, nên trước khi bắt đầu đào móng thi công chúng tôi sẽ phải đập bỏ và dọn dẹp toàn bộ phế thải xây dựng của ngôi nhà trong vòng 5 ngày", anh Dương nói.
“Thời gian gấp gáp, chủ nhà muốn động thổ đúng ngày nên họ chấp nhận trả thêm tiền cho đội xây dựng của tôi dọn dẹp ngôi nhà cũ. Cũng giống như những công trình trước, tìm kiếm xe chở phế thải xây dựng, tìm kiếm bên chấp nhận thu gom là rất khó. Có lần chúng tôi không thuê được bên chuyên thu gom mà chỉ thuê được các lái xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng, họ nói có chỗ đổ thải nên lấy giá rẻ.
Nhưng sau này chúng tôi biết, họ mang đi đổ trộm ven đường. Với công trình mới này, chúng tôi đang đau đầu tìm kiếm đơn vị uy tín để xử lý chứ không thể lấy lí do không có chỗ thu gom thì đổ trộm được”, anh Dương chia sẻ và cho biết thêm: Đổ trộm phế thải xây dựng là vi phạm và sẽ bị xử lý rất nghiêm, nên chúng tôi chỉ nhận phần tháo dỡ còn phần thu gom và chuyển phế thải sẽ tìm kiếm bên thứ 3 để giảm thiểu “rủi ro” và chấp nhận mất thêm tiền dù chi phí khá “chát”.

Thiếu bãi thu gom, thiếu chế tài xử lý?
Theo khảo sát nhanh của Báo VietNamNet tại một số quận, huyện trên địa bàn Thủ đô, không khó để bắt gặp những đống chất thải rắn xây dựng đổ tràn lan bên đường vành đai, các tuyến đê, lòng sông và đường ven đô. Ví dụ, đê tả Đáy qua xã Cao Viên (huyện Thanh Oai); phường Đồng Mai, Yên Nghĩa (quận Hà Đông); xã Đông La, An Thượng, Song Phương (huyện Hoài Đức), sông Cầu Bây (huyện Gia Lâm)…
Điểm đáng chú ý là một số bãi chất thải rắn xây dựng được đổ trộm tràn lan có sự “làm ngơ” của chính quyền địa phương, có những đoạn đường phế thải xây dựng kéo dài tới gần 100m; cũng có khu vực chất thải xây dựng được tận dụng "đổ trộm" một cách có chủ đích để san lấp trái phép đất nông nghiệp, sau đó được quây tôn xây dựng nhà kho, xưởng sản xuất (ví dụ ngay bãi giữa sông Hồng) hoặc khu vực phía sâu đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân).
Trong khi đó, theo ước tính của Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày TP Hà Nội phát sinh 4.000 tấn chất thải rắn xây dựng, 5.000 tấn rác thải sinh hoạt (chỉ tính riêng khu vực nội thành). Còn theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Nội sẽ có 18 khu xử lý chất thải rắn; trong đó có 6 khu đang hoạt động; hai khu đã có chủ trương đóng bãi, dừng chôn lấp (do lượng chất thải đã đầy từ năm 2021) để trồng cây xanh; và 10 khu đầu tư xây dựng mới.
Đáng chú ý, trong số các khu xử lý chất thải rắn này, TP Hà Nội thí điểm hai điểm nghiền, xử lý tái chế chất thải xây dựng ở Pháp Vân – Cầu Giẽ và chân cầu Thanh Trì, song chưa có đánh giá cuối cùng. Như vậy, giữa bối cảnh nhu cầu xả thải phế thải xây dựng ngày một tăng nhưng lại thiếu các khi xử lý chất thải rắn tập trung, thiếu các bãi tập kết và thu gom khiến nhiều khu vực ở ngoại thành trở thành nạn nhân của các bãi phế thải xây dựng đổ trộm, nhất là các khu vực ven sông, triền đê.
Ví dụ tại thôn Phương Viên, xã Song Phương, huyện Hoài Đức (bờ tả sông Đáy), từ 5 năm trở lại đây trở thành nơi tập kết chất thải rắn xây dựng, nhất là khu vực giáp Đại lộ Thăng Long đến Nghĩa trang liệt sĩ xã Song Phương. Theo ghi nhận của Báo VietNamNet, khu vực này từng nhiều lần bị báo chí nêu tên, chính quyền UBND xã Song Phương cũng đã cắm biển “cấm đổ chất thải rắn xây dựng” tại tuyến đê này, nhưng cứ khu vực nào có biển cấm thì khu vực ấy trở thành điểm tập kết phế thải xây dựng mỗi đêm của cánh xe tải.
Không giấu giếm sự “bất lực” này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cũng chỉ rõ những bất cập rõ nhất trong thu gom rác nói chung, phế thải xây dựng nói riêng chính là nguồn cơn của vấn đề. Theo vị đại diện này, do thiếu phương tiện thu gom phù hợp, thiếu các bãi/ các trạm trung chuyển để tái chế, phân loại và xử lý rác thải hay phế thải xây dựng khiến nguồn tài nguyên này đang không những không đem lại hiệu quả kinh tế mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường tại các khu vực vùng ven như báo chí đã nêu.
“Việc điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn Thủ đô tích hợp trong quy hoạch chung còn chậm; chưa đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng với phương thức thu gom. Thiếu chế tài xử lý (khen thưởng, xử phạt, quy trình thu gom…) khiến chất thải rắn nói chung, phế thải xây dựng nói riêng đang ngày càng trở thành vấn nạn nhức nhối của Thủ đô", vị đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội nói thêm.