Cách đây 5 năm, vào ngày 31/3/2011, căn nhà 5 tầng tại 47 Huỳnh Thúc Kháng bất ngờ tách ra, đồ sập qua ngõ 49, đè vào tòa nhà khu tập thể tại số 51, kéo theo ban công, chuồng cọp cùng với cột chống của tòa nhà này cũng bị sập theo.
Hiện trạng của tòa chung cư này được đánh giá là vô cùng nguy hiểm và 19 hộ dân sống tại đơn nguyên I khi đó đã phải di dời khẩn cấp. Tòa nhà này được UBND TP Hà Nội bàn giao cho Công ty CP Phát triển và Xây dựng nhà số 5 quản lý và đề xuất phương án xây dựng lại. Thế nhưng, sau nhiều năm, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Bốn trong số 19 hộ dân bị ảnh hưởng vẫn kiên quyết bám trụ và sinh sống tại tòa nhà được đánh giá là rất nguy hiểm này.
Hiện trạng của tòa nhà ngày 7/4, khi PV tiến hành khảo sát: Toàn bộ lan can tầng 1 đến tầng 4 bị hư hỏng nặng. 2 trong số 3 cột chống của tòa nhà bị nứt và đổ nghiêng.
Để khắc phục tạm thời, một số hộ dân đã tiến hành quây tôn tầng 1 và gia cố hệ thống giá đỡ và cột chống bằng sắt khá thô sơ.
Tuy nhiên, dù quan sát bằng mắt thường cũng có thể cảm nhận rõ rệt độ nghiêng, lún nghiêm trọng của các cột chịu lực của tòa nhà.
Các vết nứt sâu rộng cả vài cm, trơ cả khung sắt bên trong.
Bà Đinh Thị Mai Thinh (Tổ trưởng Tổ dân phố 109) cho hay, trong tổng số 42 hộ dân sinh sống tại tòa nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng thì có 19 hộ dân bị ảnh hưởng. UBND TP Hà Nội đã di dời các hộ dân này về khu tái định cư 9B Đại Kim trong thời gian chờ căn nhà xây sửa lại. Suốt 5 năm qua, nhiều hộ dân phản ánh cuộc sống sinh hoạt, làm việc của họ bị ảnh hưởng và đảo lộn nghiêm trọng. Một số hộ dù biết nguy hiểm vẫn quay trở về sinh sống đồng thời ký cam kết chịu trách nhiệm với phường nếu xảy ra sự cố sập tòa nhà: "Trong suốt 5 năm qua, chúng tôi đã gửi hàng chục lá đơn lên phường rồi quận nhưng vẫn không hề nhận được phản hồi nào về các phương án xây dựng lại tòa nhà", bà Thinh cho hay.
Trong khi đó, bà Lương Thị Huyền - một hộ dân sinh sống tại chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng cho hay, gia đình bà có hộ khẩu tại phường Láng Hạ vì thế khi chuyển xuống Đại Kim, việc nhập học cho các con bà gặp nhiều khó khăn nên cả gia đình quyết quay trở lại đây sinh sống.
Người dân vẫn phơi quần áo, trồng rau và sinh hoạt ngay trên các lan can bị nứt, đổ.
Ngay bên dưới tầng 1 tòa nhà, dù đã xuống cấp và có thể đổ sập bất cứ khi nào nhưng vẫn được BQL dự án quây lại và cho một xưởng sữa chữa xe máy thuê lại mặt bằng để kinh doanh.
4 hộ dân đi lên tòa nhà bằng lối cửa sau.
Người dân ở đây cho biết, hiện tại ngoài 4 hộ sinh sống tại tòa nhà cũng có thêm một số gia đình của BQL dự án chuyển về sinh sống tại đây.
Bảng phân công lịch trực vệ sinh của người dân.
Một số hộ dân vẫn cơi nới thêm các chuồng cọp dù hệ thồng dầm, cột chịu lực đã hư hỏng, nứt lún nghiêm trọng.
"Di chứng" của vụ sập nhà số 47 vào tháng 3/2011 vẫn hiển hiện rất nặng nề dù đã 5 năm trôi qua. Tòa nhà này không chỉ đe dọa tính mạng của những người dân đang sinh sống ở bên trong mà còn đe dọa tính mạng của nhiều người xung quanh nếu xảy ra rủi ro về đổ, sập.
Theo Dân Trí