Hơn 6 năm đưa vào vận hành cho thấy hiệu quả khai thác của tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã – Yên Nghĩa ở mức khiêm tốn trong khi tuyến buýt này được hưởng nhiều “đặc quyền”.
Hiện tuyến BRT 01 được khai thác với tần suất 5 – 10 - 15 phút/chuyến. Nhiều chuyến trong khung giờ cao điểm xe ít khách nhưng vẫn được dành riêng một làn đường. Tại phần đường còn lại thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, ô tô xếp hàng 2, hàng 3 kiên nhẫn chờ đợi còn xe máy vô tư “vây hãm” buýt nhanh.
Độc giả có nick name Mr. Tran cho rằng, cơ quan chức năng cần nhìn thẳng vào thực tế để đánh giá hiệu quả của dự án này.
“Tôi ở Hà Đông, thấy tuyến xe buýt này thật sự quá nhiều bất cập. Giờ cao điểm ô tô xếp hàng dài, xe máy chen chúc nhưng sợ bị phạt nên sẵn sàng tạt ngang đầu ô tô để tránh công an. Kính đề nghị cơ quan chuyên môn, ngành giao thông mạnh dạn đề nghị sửa sai cho dự án này”, độc giả Mr. Tran viết.
Độc giả Lan Anh đưa quan điểm nên bỏ làn ưu tiên cho xe buýt nhanh.
“BRT chỉ hiệu quả (đúng là bus nhanh) khi đường đủ rộng và hệ thống đường sắt đô thị tương đối hoàn thiện. Lẽ ra không nên vay vốn Ngân hàng Thế giới làm BRT ở Hà Nội mà dùng vốn để nghiên cứu tự chủ công nghệ đường sắt đô thị” - chị nói.
Một độc giả khác cho rằng, hạ tầng đường bộ dọc theo tuyến buýt nhanh BRT 01 từ Cát Linh về Yên Nghĩa đã bị quá tải. Thêm vào đó, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có lộ trình gần như tương tự nhưng di chuyển nhanh hơn, tiện lợi hơn đã thu hút hết hành khách của BRT.
“UBND TP Hà Nội cần xem xét tuyến buýt nhanh có nên tồn tại hay không đề dành phần đường cho các phương tiện khác, tránh ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông như hiện nay”, độc giả này cho biết.
Ban đọc Lê Anh Tú đưa giải pháp, nên cho cả xe máy đi vào làn buýt nhanh BRT để giảm tải cho phần đường còn lại. Khi cần cho xe công vụ, xe ưu tiên đặc biệt...lưu thông thì đường BRT vẫn có thể thoáng hoặc dễ dàng làm thoáng vì xe máy rất cơ động, dễ tản sang làn còn lại.
Trái với số đông ý kiến đề nghị bỏ làn dành riêng cho xe buýt nhanh BRT, anh Trần Tuấn Hoàng (Yên Nghĩa, Hà Đông) nêu quan điểm, cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm các phương tiện cá nhân cản trở xe buýt nhanh. Bởi lẽ, phương tiện công cộng phải được ưu tiên trên mặt đường, được chạy thông qua các điểm ùn tắc thì mới thu hút được nhiều người sử dụng.
Đình Hiếu