Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội), cho biết ngộ độc thực phẩm ở các nhà bếp tập thể cũng như bếp bán trú trường học có thể xảy ra bất cứ lúc nào và là nỗi lo của bất cứ gia đình nào có con em đi học ăn bán trú. Vì vậy, nhiều gia đình vẫn lo lắng không đăng ký cho trẻ ăn tại trường.

Chuyên gia này nhận định để tránh mất an toàn thực phẩm ở trường hợp cơ sở giáo dục cần đảm bảo các quy định của Bộ Y tế như thực phẩm nhập vào bếp nấu phải có giấy kiểm định, đảm bảo tươi. Khu vực bếp ăn phải đặt ở vị trí cách xa nguồn ô nhiễm, nhà vệ sinh. Môi trường bếp pháp đảm bảo sạch sẽ, có các khu riêng biệt như rửa, sơ chế, khu nấu, vị trí để thức ăn chín. Dụng cụ chế biến như nồi, chảo, dao, thớt phải rửa thật sạch sẽ, không dùng chung dụng cụ cho đồ ăn sống và đồ ăn chín. Lưu ý, nên cho học sinh ăn ngay sau khi thực phẩm nấu nướng xong, tránh mang đi xa dễ dẫn đến tình trạng nhiễm vi khuẩn.

Xác định tầm quan trọng của công tác an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú, nhiều năm qua Chi Cục An toàn thực phẩm Hà Nội đã ban hành nhiều hướng dẫn, chỉ đạo các quận huyện tập trung kiểm tra các bếp ăn tập thể trường học.

W-ngo-doc-tp-1.png
Nguy cơ ngộ độc tại các bếp ăn ở trường học rất lớn. 

Các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm, bếp ăn tập thể trường học phải đảm bảo cơ sở vật chất, công năng phù hợp với học sinh nhà trường, sắp xếp quy trình chế biến thực phẩm phù hợp giữa thực phẩm sống, chín. Bếp ăn phải có trang bị dụng cụ chế biến, tránh thôi nhiễm từ hộp đựng, dụng cụ chế biến. Người chế biến phải đảm bảo sức khỏe, vệ sinh cá nhân. Các bếp ăn tập thể phải có tủ bảo quản và tủ lưu mẫu thức ăn.

Năm 2022-2023, Chi Cục An toàn thực phẩm xây dựng mô hình kiểm soát bếp ăn tập thể ở trường tiểu học tại 5 quận, 5 huyện. Qua đó, Hà Nội chú trọng nhất là khâu kiểm soát nguyên liệu đầu vào và kết quả các bếp ăn tập thể trường học đều đạt 100% thực phẩm đầu vào được kiểm soát, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo đủ an toàn theo quy định. Thực phẩm chế biến xong được lưu mẫu trong vòng 24 tiếng.

Ngoài ra, cơ quan  này đã ban hành hướng dẫn quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm ở các trường học. Hằng năm, các cán bộ của Chi Cục An toàn thực phẩm, trung tâm y tế các quận huyện đều tiến hành tập huấn cho các trường có bếp ăn bán trú về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các tác nhân gây ngộ độc cũng như xử lý tình huống có ngộ độc thực phẩm xảy ra. 

Theo đó, khi có tình huống ngộ độc thực phẩm cơ sở giáo dục phải khai báo với cơ sở chính quyền sở tại, lưu giữ lại mẫu thức ăn nghi ngờ, phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, truy xuất các thực phẩm nghi ngờ. Phối với với các cơ sở y tế, gia đình học sinh bị ngộ độc để tránh trường hợp ngộ độc nặng ảnh hưởng tới tính mạng của học sinh.

Tại nhà, Phó giáo sư Thịnh khuyến cáo các phụ huynh nên tăng cường bổ sung thực phẩm tốt cho trẻ, lựa chọn thực phẩm an toàn, bổ sung vitamin và khoáng chất qua rau củ quả. Những trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng nên được khám dinh dưỡng để bác sĩ đánh giá sức khỏe và đưa ra các thực đơn tối ưu nhất cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất đảm bảo việc học tập trên lớp hằng ngày. 

Thúy Nga và nhóm PV, BTV