UBND TP Hà Nội vừa giao Sở GTVT xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane.
Là đơn vị được giao tham mưu, xây dựng kế hoạch sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh trên địa bàn, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, hiện đơn vị này đang vận hành 83 tuyến buýt đấu thầu và 1 tuyến buýt BRT đặt hàng với tổng số phương tiện gần 1.100 xe.
Transerco Hà Nội dự toán cần 21.000 tỷ đồng để chuyển đổi toàn bộ số xe buýt chạy xăng, dầu đơn vị này đang quản lý sang xe buýt điện.
Transerco dự kiến tổng số phương tiện đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% số phương tiện hiện có.
Với 55 tuyến xe buýt (gần 650 xe) còn lại, theo Transerco, ngành GTVT cần xem xét kỹ công suất xe điện có phù hợp cho quãng đường di chuyển hay không. Bởi mỗi xe buýt trên các tuyến này thường chạy từ 260-400 km/ngày. Còn xe buýt điện hiện nay thường chạy từ 250 - 300 km mỗi lần sạc.
Riêng 3 tuyến sử dụng xe buýt nhỏ (23, 84, 99), Transerco đề xuất chưa đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện do thị trường hiện nay chưa có xe buýt điện loại nhỏ.
Về tuyến BRT, Transerco cho biết, xe chạy trên tuyến thuộc tài sản của dự án và thị trường cũng chưa có loại xe buýt nhanh BRT sử dụng điện, nên chưa đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện.
Transerco đề nghị Sở GTVT báo cáo đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét cơ chế chuyển xe buýt động cơ xăng, dầu sang tất cả xe chạy bằng điện.
Cụ thể, TP chỉ đạo xây dựng và phê duyệt đơn giá, định mức áp dụng với loại hình xe buýt điện, đặc biệt là hạ tầng xe buýt điện đảm bảo thu hồi vốn đầu tư.
Quyết định số 876 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành GTVT, trong lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45% - 50%. |