Theo đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, cấm ô tô, xe máy gây ô nhiễm môi trường là việc cần làm ngay trong nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, đi cùng với đó là chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi xe xăng, dầu sang xe điện.
LỜI TÒA SOẠN
HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô.
Nghị quyết đặt ra lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2025-2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp.
Giai đoạn từ năm 2031 trở đi, các khu vực trên địa bàn thành phố có một trong những tiêu chí quy định về vùng phát thải thấp phải thực hiện quy định của nghị quyết.
Những người sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ được hỗ trợ ra sao để chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải?
Chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ từ quý độc giả, nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu… về những trải nghiệm thực tế, bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất giải pháp mới cho vấn đề đang được quan tâm này.
Trao đổi với PV VietNamNet, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) ủng hộ quy định "vùng phát thải thấp". “Tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn Thủ đô đã đến mức báo động. Nếu chúng ta không hành động ngay, sức khỏe của mỗi người dân Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng”, đại biểu Cừ nói.
Đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, giải pháp đầu tiên, Hà Nội cần thực hiện đó là kiểm tra chất lượng khí thải ô tô, xe máy. Với những phương tiện không đảm bảo chất lượng khí thải, theo đại biểu, cơ quan chức năng cần có biện pháp loại bỏ. Đi cùng với đó là chính sách trợ giá xe máy điện cho người nghèo.
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, khi HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết quy định "vùng phát thải thấp", thì cơ quan chức năng của thành phố cần phải có quyết tâm thực hiện bằng được. Đặc biệt trong đó, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, Ba Đình phải tổ chức lực lượng nghiên cứu kỹ từng khu vực cấm hoặc hạn chế ô tô, xe máy chạy xăng, dầu.
“Nếu lãnh đạo thành phố, cùng các sở ngành ngại va chạm, không quyết tâm thực hiện quy định "vùng phát thải thấp" thì tình trạng ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng hơn”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Xuân Cừ, cách đơn giản, dễ làm nhất trong việc thực hiện "vùng phát thải thấp" là Hà Nội cần chuyển đổi toàn bộ xe buýt, taxi và xe công vụ sang xe điện. Sau đó mới tính đến cấm hoặc hạn chế ô tô, xe máy cá nhân chạy bằng xăng, dầu hoạt động ở ‘vùng phát thải thấp’.
“Cấm phương tiện gây ô nhiễm môi trường ở trong nội thành Hà Nội không thể chậm trễ hơn được nữa. Nhưng đi kèm với nó, TP Hà Nội cũng phải ban hành chính sách đảm bảo tính nhân văn như hỗ trợ người dân, đặc biệt là người nghèo, gia đình chính sách chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện”, ông Trương Xuân Cừ nói thêm.
Cụ thể, theo bà Bùi Thị An, TP Hà Nội cần sớm nghiên cứu giải pháp đi lại cho người dân đến và đi ra khỏi khu vực sẽ thí điểm cấm phương tiện gây ô nhiễm. “Nếu cấm ô tô, xe máy chạy bằng xăng dầu thì phương tiện vận tải công cộng phải đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Với người lao động, thành phố cũng phải có chính sách hỗ trợ mua xe điện”, bà Bùi Thị An nêu quan điểm.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, mức độ ô nhiễm không khí tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội. Trong đó, thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet (PM 2,5).
Sở TN&MT Hà Nội đã chỉ ra 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí gồm: Phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp.
Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Thanh Nam cho hay nguồn gây ô nhiễm không khí tại chỗ của Hà Nội chủ yếu do bụi đường và phương tiện giao thông đường bộ, chiếm khoảng 58-74% tùy từng thời điểm. Trong nguồn phát thải từ phương tiện giao thông thì xe máy chiếm nhiều nhất, tiếp đến là taxi.
Ông Nam cho biết tính đến tháng 8/2024, thành phố có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ (gần 1,13 triệu ô tô, hơn 6,9 triệu xe máy). “Xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58% làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí”, ông nói.
Bạn đọc có ý kiến chia sẻ, đánh giá về vấn đề này có thể gửi về email: [email protected]. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!
Để giảm ô nhiễm môi trường, từ năm 2025, TP Hà Nội sẽ chọn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm làm thí điểm hạn chế ô tô, xe máy chạy bằng xăng, dầu. Điều này dấy lên lo ngại với việc người dân di chuyển bằng cách nào trong thời gian tới?
Sáng 11/12, thời tiết Hà Nội có mưa phùn, chuẩn bị đón đợt rét đậm. Người dân đi làm phải mặc áo mưa, di chuyển rất khó khăn qua các đoạn đường ùn tắc dài.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng vấn đề cốt lõi xử lý ùn tắc giao thông ở Hà Nội là quản lý phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, lâu nay Thủ đô lại đang “thả rông” nhóm phương tiện này.