Theo thông tin từ TS Lý Bích Thuỷ (Viện Khoa học & Công nghệ Môi trường - ĐH Bách Khoa Hà Nội), vấn đề lớn nhất mà Việt Nam gặp phải đối với vấn đề ô nhiễm không khí là nồng độ bụi mịn PM 2.5.
Nghiên cứu của TS Thủy chỉ ra rằng, nồng độ PM2.5 tại Hà Nội thường cao vào khoảng tháng 12 và tháng 1, đặc biệt là buổi đêm. Vào những tháng mùa hè (tháng 5 – tháng 8), nồng độ PM2.5 tại Hà Nội sẽ thấp hơn hẳn.
Nồng độ bụi tại Hà Nội thường tăng cao vào những tháng mùa đông và giảm dần khi về hè. |
Đặc điểm của ô nhiễm bụi mịn trong không khí ngược hoàn toàn so với các khí thải từ phương tiện giao thông như CO, NO. Nếu xét theo các khoảng thời gian trong ngày, nồng độ bụi mịn trong không khí tại Hà Nội sẽ ở ngưỡng thấp vào buổi trưa và cao dần vào buổi tối và sáng sớm.
Buổi trưa, hàm lượng bụi mịn không khí tại Hà Nội ở mức thấp nhất. Chỉ số PM2.5 sẽ tăng dần về đêm và sáng sớm. |
Với những ngày mà nhiệt độ thấp hơn 2 độ so với ngày hôm trước đó, nồng độ bụi ban đầu sẽ thấp nhưng sau đó lại vọt lên rất cao.
Lý giải cho điều này, TS Lý Bích Thuỷ cho rằng có sự tương quan giữa các điều kiện khí tượng và nồng độ bụi. Vào ngày lạnh sẽ có các khối áp cao xuất hiện phía trên. Các bụi cám lơ lửng trong không khí vì thế bị tồn đọng lại, không khuyếch tán được. Điều này dẫn đến việc nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng lên trong không khí.
TS Lý Bích Thuỷ (Viện Khoa học & Công nghệ Môi trường - ĐH Bách Khoa Hà Nội). Ảnh: Trọng Đạt |
Điều tương tự cũng đã từng xảy ra tại Trung Quốc khi quốc gia này gặp phải những điều kiện khí tượng bất lợi. Tuy nhiên do tính chất của thời tiết, nồng độ bụi trong không khí thường chỉ cao lên theo từng đợt.
"Để giải quyết tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong không khí, không có cách nào ngoài việc giảm phát thải của con người và kết hợp cùng các nhóm giải pháp khác", TS Thuỷ cho biết.
Trọng Đạt