Ngày 17/10, liên ngành VKS - TAND TP Hà Nội phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm về các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình bị sửa, hủy và chất lượng bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa.
Theo đánh giá của VKSND TP Hà Nội, quá trình xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình vẫn còn nhiều bản án, quyết định có sai sót, vi phạm về tố tụng hoặc nội dung.
Dù số bản án bị sửa, hủy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số vụ án đã giải quyết, nhưng các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình bị sửa, hủy hiện có xu hướng tăng, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Có những vụ việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại bị kéo dài bởi xác định sai thẩm quyền giải quyết, thường gặp ở các trường hợp như: Tòa án xác định không đúng nơi bị đơn cư trú, nơi làm việc hoặc nơi có bất động sản tranh chấp nên thụ lý, xét xử sai thẩm quyền theo lãnh thổ; hoặc vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố nhưng cấp huyện thụ lý giải quyết.
Trong số các vụ án bị sửa toàn bộ bản án hoặc sửa một phần đáng kể, có tới gần 50% số vụ có kháng nghị của VKS, chủ yếu tập trung vào các vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế, hợp đồng có sai sót trong đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật nhưng chưa đến mức phải hủy án, hoặc những vụ án có vi phạm về tố tụng, vi phạm về nội dung nhưng những sai sót, vi phạm đã được Tòa án cấp phúc thẩm khắc phục.
VKSND TP Hà Nội đánh giá, có nhiều lý do dẫn đến việc hủy, sửa án. Ngoài lý do phát sinh tình tiết mới tại cấp phúc thẩm thì chủ yếu là những vi phạm nghiêm trọng, không tuân thủ quy định của pháp luật như: Thụ lý không đúng thẩm quyền, xác định không đúng quan hệ pháp luật, xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng, vi phạm trong đánh giá, xác minh, thu thập chứng cứ; các vi phạm về tính án phí, lệ phí…
Trong số các nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng án bị sửa, hủy thì yếu tố chất lượng, trình độ năng lực đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.
Theo ông Đào Thịnh Cường, Viện trưởng VKSND TP Hà Nội, không ít trường hợp phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa còn chung chung, hình thức và sơ sài, chưa tổng hợp, phân tích đầy đủ tình tiết, nội dung vụ án để đưa ra nhận định, đánh giá trên cơ sở quy định pháp luật. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vụ án bị sửa, hủy do có trách nhiệm của VKS, Tòa án…
Viện trưởng VKSND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm sâu sắc về những thiếu sót, tồn tại trong việc thực hiện công tác kiểm sát giải quyết án dân sự trong thời gian qua; yêu cầu cán bộ, kiểm sát viên được phân công kiểm sát giải quyết án dân sự phải số hóa hồ sơ vụ án và báo cáo giải quyết án bằng sơ đồ tư duy, tranh tụng tại phiên tòa thông qua hình ảnh... đảm bảo thuận lợi và hiệu quả trong công tác.
Ông Cường đề nghị lãnh đạo TAND TP cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để công tác phối hợp giữa hai ngành trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn.