UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6785/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Một số nhiệm vụ đột phá về chuyển đổi số thành phố Hà Nội năm 2025”.

Theo đó, thành phố xác định rõ quan điểm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số.

Ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong giám sát chất thải rắn. Ảnh: Thu Hằng

Cùng với đó, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số đặt ra tại các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số của thành phố.

Công tác tổ chức triển khai, phân công nhiệm vụ chuyển đổi số phải cụ thể, rõ việc, rõ trách nhiệm gắn với bố trí nguồn lực phù hợp, phát huy tinh thần 5 “đẩy mạnh”: Đẩy mạnh thống nhất nhận thức và hành động của người lãnh đạo trong chuyển đổi số, phát huy tính tiên phong, nêu gương, đi đầu; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số, phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số quốc gia thông suốt, phát triển nền tảng số, dữ liệu số, hệ sinh thái số thuận tiện; đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xã; đẩy mạnh xây dựng văn hóa số, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới.

Đồng thời thực hiện 5 “bảo đảm”: Bảo đảm triển khai chuyển đổi số, Đề án 06 đồng bộ, hiệu quả tại tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng; bảo đảm nguồn lực cho chuyển đổi số quốc gia, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số, đào tạo nhân lực số; bảo đảm 100% dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân, tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, tiết giảm chi phí; bảo đảm nhân lực cho chuyển đổi số và các ngành kinh tế mới nổi, chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với nhu cầu thị trường; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

UBND thành phố cũng yêu cầu triển khai thực hiện nội dung trên gắn với 5 “không” (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, không bàn lùi, chỉ bàn làm; không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06; không tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch thông qua phương thức điện tử, phòng, chống tham nhũng; không giấy tờ, hướng tới số hóa toàn diện; không để người dân, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí tuân thủ).

Các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, có thể được đánh giá, giám sát bằng công cụ trực tuyến; tập trung vào 5 “trọng tâm” (phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số, tài năng số; ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số toàn diện nhưng phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; quản lý, điều hành dựa trên số hóa, thông minh; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền…); phân định rõ trách nhiệm triển khai các nội dung chuyển đổi số giữa bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là việc triển khai các nền tảng số.

Thông qua đề án nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thành phố Hà Nội, tập trung giải quyết các nhiệm vụ mang tính đột phá trong triển khai chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị của thành phố, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu Chính phủ giao thành phố thực hiện đến năm 2025; tiếp tục phấn đấu tăng chỉ số xếp hạng chuyển đổi số của thành phố.

 Theo Thúy Nga (Báo Hà nội mới)