Hà Nội xây dựng lộ trình thực hiện cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động nhằm cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. 

Kế hoạch được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký ban hành. Theo tin từ Cổng Thông tin Hà Nội, trong kế hoạch, thành phố Hà Nội đặt ra nhiều mục tiêu. Cụ thể, đến năm 2021, thành phố phấn đấu đạt khoảng 40% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm trên 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Phấn đấu đạt khoảng 33% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Riêng về công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, UBND thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến 2021, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực bảo hiểm; Giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4. Đồng thời, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80% trở lên.

Giai đoạn đến năm 2025, Thành phố phấn đấu đạt khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi. Phấn đấu đạt khoảng 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Phấn đấu đạt khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85% trở lên.

Bước sang giai đoạn đến năm 2030, Thành phố phấn đấu đạt khoảng 70% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 10% lực lượng lao động trong độ tuổi. Phấn đấu đạt khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổị tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Phấn đấu đạt khoảng 65% số người sau độ tuổi nghỉ hưu đựợc hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức trên 90% trở lên.

Để hoàn thành chỉ tiêu nêu trên, UBND Thành phố triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp như: tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, tạo sự đồng thuận trong cải cách chính sách BHXH.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và pháp luật có liên quan; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp...

Cũng trong năm 2018, công tác tăng cường hiện đại hoá hành chính được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường thực hiện tới các địa phương. Cụ thể là tiếp tục sử dụng và vận hành phần mềm quản lý văn bản và điều hành phiên bản 1.0 trong toàn ngành; toàn bộ văn bản chỉ đạo, thông tin, xử lý nghiệp vụ được số hóa và sử dụng chữ ký số. Thực hiện ứng dụng CNTT, tin học hóa trong quản lý KCB, thống nhất trong giám định và thanh toán BHYT, góp phần minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, nhất là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT...

Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu để sẵn sàng cho việc kết nối liên thông dữ liệu với cơ quan BHXH trong thời gian tới, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và hạn chế tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp; triển khai công tác phòng chống, xử lý tấn công mạng, bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin tập trung của Ngành; hiệu chỉnh phần mềm quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo các quy định mới; xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát đường truyền mạng WAN; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố nhằm đảm bảo an toàn thông tin mạng trong ngành.

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đẩy mạnh việc cải cách, đơn giản hóa TTHC tđồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của BHXH Việt Nam. Tăng cường ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực nghiệp vụ của ngành, nhằm khai thác, chia sẻ thông tin dữ liệu cho các đơn vị liên quan và BHXH các tỉnh, thành phố; kết nối với các đơn vị ngoài Ngành theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và DN. Ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng CCVC; nâng cao năng lực, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ CCVC.