Thời gian qua, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã thực hiện tốt Cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng nhiều cách làm sáng tạo, lựa chọn những nội dung cụ thể, gắn liền với lợi ích của nhân dân. Nhờ đó, Hà Nam là 1 trong 4 tỉnh đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM) vào năm 2020.
Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Hà Nam có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19 xã được công nhận NTM kiểu mẫu. Tỉnh Hà Nam phấn đấu năm 2024 công nhận thêm từ 8 đến 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đặc biệt, khi triển khai thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với chính quyền hướng dẫn thôn, xóm, tổ dân phố bổ sung các nội dung phù hợp, gắn 5 nội dung của CVĐ với 5 tiêu chuẩn làng văn hóa và 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa vào hương ước, quy ước của khu dân cư. Trong đó, tiêu biểu là MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường tại cộng đồng dân cư. Phối hợp xây dựng các mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường”, lồng ghép đưa nội dung xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp vào triển khai xây dựng gia đình văn hóa.
Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 105 mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường”; trên 95% khu dân cư có tổ thu gom rác thải. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên còn hỗ trợ, hướng dẫn, triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ bằng thùng Compost” cho 2.340 hộ gia đình tại 53 khu dân cư. Đến nay, toàn tỉnh đã có 49 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường, 71 xã đạt tiêu chí số 18 về chất lượng môi trường sống theo Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao.













Tỉnh đã hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai; cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn bảo đảm an toàn; tu sửa, nâng cấp chợ nông thôn. Hà Nam từng bước thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; hoàn thiện các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đầu tư, nâng cấp các điểm tập kết rác thải sinh hoạt... đáp ứng các yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Đối với ngành nông nghiệp, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Hà Nam triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn..., góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương...
Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP tiếp tục được triển khai, năm 2024 có 35 ý tưởng sản phẩm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tham gia Chương trình OCOP. Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố đang phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai thực hiện các bước tiếp theo của quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024, dự kiến sẽ công nhận từ 25-30 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên; từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.