Mỗi cá nhân, mỗi nhà trường đều có riêng cho mình những cách chỉ đạo, các phương pháp để phát huy tính ưu việt của công nghệ số vào thực tiễn. Từ đó đã mang tới sự phong phú, linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được nhanh chóng tiếp cận với công nghệ, góp phần tăng cường khả năng ứng dụng, khai thác công nghệ phục vụ việc học tập và tham gia các hoạt động giáo dục tích cực khác.
Hiện nay, từ việc đầu tư có hệ thống các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, trường học các cấp trên địa bàn tỉnh đã có được thiết bị công nghệ cần thiết. Trong đó, có tới 98% các trường có phòng học tin học, học ngoại ngữ được đầu tư đầy đủ máy vi tính, máy tính bảng, máy chiếu… tạo thuận lợi triển khai thực hiện tốt việc dạy học và giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội được tiếp cận với công nghệ số.
Tại các trường tiểu học, trong phòng học tin học, ngoài việc có tương đối đầy đủ máy vi tính, bố trí cho học sinh các khối lớp được học môn Tin học đúng thời lượng 2 tiết/tuần/lớp, còn tăng cường các hoạt động cho học sinh làm quen với cách học, tham gia các cuộc thi môn học trên internet dành cho học sinh tiểu học. Ở Trường Tiểu học Kiện Khê A (huyện Thanh Liêm) do được đầu tư đồng bộ nên việc dạy và học môn Tin học thực sự nền nếp và có chất lượng, học sinh có thêm điều kiện làm quen và hình thành các kỹ năng sử dụng máy tính. Nhiều học sinh rất thành thạo sử dụng máy tính khi tham gia các cuộc thi môn học trên mạng Internet. Ngoài thời gian học môn Tin học trên lớp, học sinh còn được tham gia các câu lạc bộ (CLB) do nhà trường tổ chức, như: Trạng nguyên Tiếng Việt, Toán tuổi thơ, Em yêu Tiếng Việt... Đây đều là các CLB hoạt động trên cơ sở khai thác và sử dụng hệ thống máy tính. Qua đó, đã giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Tin học trong nhà trường.
Với sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều nguồn, các trường học trên địa bàn huyện đã được xây dựng, sửa chữa bổ sung cơ sở vật chất thường xuyên, bảo đảm đủ phòng học Tin học và có đủ trang thiết bị dạy học từ 14- 16 máy tính/phòng học tin, được kết nối internet để triển khai dạy Tin học theo yêu cầu. Ông Đỗ Văn Bính, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thanh Liêm cho biết: Để tăng cường dạy và học trên nền tảng công nghệ số, khuyến khích học sinh tiếp cận và làm quen với công nghệ, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức dạy học môn Tin học cho học sinh. Riêng với cấp tiểu học, thực hiện dạy Tin học cho học sinh lớp 4, lớp 5 ở những trường dạy học 2 buổi/ngày, có đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất; dành thời gian thích hợp cho học sinh lớp 5 được tiếp cận môn Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để tạo tâm thế sẵn sàng cho học sinh học lên lớp 6. Đồng thời, chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện dạy Tin học cho 100% học sinh khối lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; chủ động cho học sinh lớp 1, lớp 2 được tiếp cận với chương trình giáo dục môn Tin học thông qua CLB Tin học, CLB giải toán qua internet, CLB Trạng nguyên Tiếng Việt, CLB Tiếng Anh trên internet IOE…
Hằng năm, Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với một số đơn vị tổ chức Hội thi Tin học trẻ, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh các trường tiểu học, trường THCS trên địa bàn. Đây là hoạt động phát triển phong trào học tập, sáng tạo và ứng dụng tin học trong thanh, thiếu nhi, góp phần tạo nguồn nhân lực trẻ về công nghệ thông tin, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước. Tại các hội thi, hầu hết thí sinh đã thể hiện tốt kiến thức lập trình, tự tin trình bày các phần mềm sáng tạo, được bồi dưỡng bài bản nên có tư duy và cách làm bài linh hoạt, sáng tạo. Chất lượng các phần thi của thí sinh được đánh giá có tính thực chất cao, khẳng định tính hiệu quả trong việc dạy và học môn Tin học trong các nhà trường. Đồng thời, cũng đã chứng minh được vai trò và tính thích ứng của công nghệ số đối với quá trình học tập của học sinh hiện nay.
Trên thực tế, việc đưa công nghệ số vào dạy học được giáo viên các cấp học rất chú trọng, quan tâm nhằm bắt kịp phương hướng đổi mới của nền giáo dục, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để việc dạy học đạt hiệu quả cao, giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn và qua đó khơi gợi cho học sinh niềm đam mê các môn học.
Phương pháp dạy học mới bằng công nghệ số hóa lấy học sinh làm trung tâm, giúp học sinh chủ động hơn, tiếp thu kiến thức nhanh hơn, kích thích phát triển về kỹ năng và tư duy; gia tăng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Trên cơ sở nền tảng kiến thức về công nghệ, hầu hết các hoạt động giáo dục của giáo viên và học sinh các nhà trường đã được thực hiện thông qua hệ thống công nghệ số. Từ các nhiệm vụ được giáo viên môn học giao, học sinh đã tự lên kế hoạch, xây dựng nội dung bài tập, làm powerpoint trình chiếu… khá bài bản, phát huy được tối đa sự hiểu biết, kỹ năng của các em.
Quá trình giảng dạy, giáo viên cũng chủ động khuyến khích học sinh tiếp cận với công nghệ số và thực hiện các nhiệm vụ học tập trên nền tảng số. Bên cạnh đó, từ sự hỗ trợ của công nghệ đã giúp học sinh có thể tiếp cận với nguồn học liệu mở phong phú, đa dạng, tìm và khai thác được nhiều kiến thức, rèn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập.
Theo Thanh Hà (Báo Hà Nam)