“Thực hiện ngăn chặn sự xâm nhiễm cơ học; phòng bệnh bằng vắc xin lở mồm long móng; giám sát bệnh lở mồm long móng; xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh; chẩn đoán xét nghiệm lở mồm long móng; kiểm soát vận chuyển; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; biện pháp xử lý ổ dịch, nghi dịch; thông tin tuyên truyền” là 9 nội dung được đề ra trong kế hoạch số 419-KH/UBND ngày 23/2/2021 về phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 do UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành.
Mục tiêu nhằm kiểm soát hiệu quả bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh và ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng virus lở mồm long móng mới từ các vùng lân cận vào địa bàn tỉnh.
Tỉnh phấn đấu tiêm phòng hàng năm đạt kế hoạch đề ra, tiến tới thanh toán bệnh lở mồm long móng trên địa bàn.
Đồng thời, xây dựng thêm các cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng (phấn đấu mỗi năm từ 1-2 cơ sở); tiến tới xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng cấp xã.
UBND tỉnh giao Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp là đầu mối điều phối, tham mưu cho cấp trên đề xuất các giải pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hành giả (BCĐ 389) phối hợp với các ban, ngành liên quan, chủ động chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ quan thú y các cấp; tập trung tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, buôn bán vắc xin, thuốc thú y giả, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu không rõ nguồn gốc ra, vào địa bàn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện kế hoạch bao gồm:
Hàng năm, chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức lấy mẫu giám sát sự lưu hành của virus lở mồm long móng để cảnh báo dịch bệnh, xác định chủng loại và đánh giá tương đồng kháng nguyên để có sở sở khoa học, kỹ thuật cho việc lựa chọn, khuyến cáo sử dụng vắc xin cho phù hợp; tổ chức giám sát sau tiêm phòng, xét nghiệm mẫu để xác định tỷ lệ gia súc có kháng thể bảo hộ đối với bệnh lở mồm long móng.
Xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho tỉnh, đôn đốc, kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin, công tác giám sát theo quy định. Căn cứ tình hình dịch bệnh lở mồm long móng trong tỉnh và các tỉnh lân cận để xác định đối tượng và phạm vi tiêm phòng vắc xin, hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Khuyến khích, hướng dẫn, thẩm định, đánh giá cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng.
Phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng dẫn giám sát, kiểm tra về quy trình, kỹ thuật chôn, hủy, xử lý xác gia súc phù hợp quy định về môi trường. Lập kế hoạch tăng cường năng lực, chẩn đoán xét nghiệm tự chủ để phục vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn 2021-2025.
Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch với UBND tỉnh, Cục thú y, Bộ NN&PTNT.
Sở Tài chính căn cứ tình hình thực tế của địa phương, các nội dung, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền giao và khả năng cân đối ngân sách, chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch theo quy định.
Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Sở NN&PTNT lập kế hoạch bố trí kinh phí tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM giai đoạn 2021-2025.
Sở Công thương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến thị trường để có giải pháp đảm bảo lưu thông, tránh gây bất ổn thị trường trong tỉnh. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, đẩy giá sản phẩm động vật bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và đánh giá tiềm năng xuất khẩu thịt của tỉnh. Nghiên cứu đánh giá tiềm năng xuất khẩu thịt của tỉnh…
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Giao thông vận tải, Sở NN&PTNT, Sở Công thương tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc, buôn lậu, động vật ốm, bệnh, nghi mắc bệnh trên địa bàn tỉnh; tổ chức dừng phương tiện giao thông ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát để thực hiện việc kiểm soát vận chuyển, đảm bảo an ninh cho đoàn liên ngành trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Sở Khoa học và công nghệ phối hợp với ngành NN&PTNT nghiên cứu các giải pháp khoa học kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng.
Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp với ngành NN&PTNT hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý môi trường trong phòng, chống dịch lở mồm long móng.
Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng công tác tuyên truyền đối với các cơ quan báo chí của tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã tuyên truyền; đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam về công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM giai đoạn 2021-2025.
UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên địa bàn giai đoạn 2021 -2025; bố trí nguồn lực, vật tư, phương tiện, quỹ đất để chống dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh khi có dịch; bố trí kinh phí thuộc trách nhiệm của cấp huyện.
Chỉ đạo thực hiện việc theo dõi việc khai báo tái đàn và kê khai các hoạt động chăn nuôi theo quy định; chỉ đạo các phòng chức năng, phối hợp UBND cấp xã thực hiện công tác phòng, chống dịch. Quản lý hoạt động của các cơ sở giết mổ động vật tập trung (nếu có); hoạt động sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn; chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh gia súc và các sản phẩm từ gia súc không rõ nguồn gốc.
Đối với UBND cấp xã xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống dịch lở mồm long móng giai đoạn 2021 -2025 tại địa phương. Khi có dịch bệnh xảy ra, các xã, thị trấn bố trí kinh phí dự phòng để chống dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh khi có dịch.
Nếu không đủ kinh phí thì báo cáo cấp trên để xin hỗ trợ từ nguồn kinh phí dự phòng; hướng dẫn, tiếp nhận người chăn nuôi khai báo tái đàn và kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định. Quản lý các hoạt động của cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo dịch bệnh, số liệu tiêu hủy động vật hàng ngày về UBND cấp huyện để tổng hợp, theo hõi, giám sát khi có dịch bệnh xảy ra. Có trách nhiệm quản lý, theo dõi các hố chôn động vận để có hướng xử lý khi các hố chôn có hiện tượng sụt lún, phát sinh mùi hôi thối. Đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên về phòng, chống bệnh lở mồm long móng, các thời điểm triển khai tiêm phòng hàng năm để người dân nắm được và thực hiện.
Đối với các doanh nghiệp, công ty, cá nhân tham gia chăn nuôi, mua bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm từ gia súc có trách nhiệm kê khai hoạt động chăn nuôi, thông báo kịp thời khi phát hiện dịch bệnh, nghi ngờ dịch bệnh, tình trạng vứt xác gia súc ra môi trường và thực hiện các quy định hiện hành khác của pháp luật về chăn nuôi thú y và phòng, chống dịch bệnh.
Ngọc Quang